Thi THPT quốc gia: Thí sinh tránh mắc lỗi chủ quan

ANTĐ - Chỉ còn 1 tuần nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia 2016, việc chuẩn bị  kỹ năng làm bài thi, nắm vững quy chế thi và ổn định tâm lý là điều mà các thí sinh cần hết sức quan tâm. Để phát huy cao nhất năng lực cá nhân và không bị mất điểm hoặc bị xử lý kỷ luật bởi những lỗi không cố ý, các thí sinh có thể lưu ý những điều dưới đây.

Nhồi nhét sẽ không hiệu quả

Là người nhiều kinh nghiệm tổ chức cho học sinh tham dự các kỳ thi, thầy Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường THPT Wellsping nắm rất rõ tâm lý thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia vào thời điểm này. Thầy Đặng Đình Đại nhấn mạnh, ngày thi sát gần, điều quan trọng nhất là thí sinh phải chú ý giữ gìn sức khỏe.

“Thay vì lo lắng, gần ngày thi các em nên giảm dần cường độ học.Trước kỳ thi 1 ngày, nên gấp sách vở lại để nghỉ ngơi, thư giãn. Tâm lý thoải mái khi bước vào phòng thi sẽ giúp thí sinh tự tin, có thể vận dụng tối đa kiến thức đã học để làm bài thi. Việc ôn thi phải chuẩn bị từ lúc còn đang học trên lớp. Chỉ khi có kiến thức đầy đủ mới có thể khiến các em tự tin trong khi làm bài thi. Thế nên, những ngày gần thi, nếu cuống cuồng nhồi nhét cũng không giải quyết được vấn đề” - thầy Đại phân tích.

Cũng theo thầy Đại, trong quá trình ôn tập, điều cần thiết là việc rút ra bài học kinh nghiệm, đánh giá lại bản thân và lượng kiến thức đã học, phân loại kiến thức với những phần đã nhớ, đã hiểu. Phần nào chưa nhớ, chưa hiểu cần tập trung nhiều hơn, trao đổi và nhờ sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè để từ đó tập trung bổ sung, bồi dưỡng nhằm tạo nền tảng kiến thức vững chắc trước khi bước vào phòng thi.

Đừng để rơi vào điểm liệt

Cô Đặng Ngọc Trâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, trong số 154 học sinh lớp 12 của trường tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm nay thì nhiều học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT. Các em đã sớm xác định được sở trường, năng lực của mình và tìm nhiều hướng đi thay vì chỉ vào đại học.

“Nhiều học sinh đã thành công trong ngành nghề mà các em lựa chọn ngay khi rời bậc phổ thông. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhắn nhủ các em là tấm bằng tốt nghiệp THPT là yêu cầu gần như bắt buộc với học sinh để bước vào tương lai vì nó cần thiết với mọi công việc và lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, với kỳ thi THPT quốc gia, việc có được tấm bằng này không dễ dàng bởi nếu chủ quan, các em rơi vào điểm liệt 1 môn thi thì các môn còn lại điểm có cao cũng không có ý nghĩa gì. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh sẽ mất thêm 1 năm ôn thi để thi lại” - cô Ngọc Trâm cho biết.

Để tránh lỗi chủ quan dẫn tới bị điểm liệt, theo cô Trâm, đến thời điểm này học sinh đều đã biết rõ năng lực bản thân qua đợt khảo sát toàn thành phố do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, vì vậy việc khắc phục lỗi đã mắc không khó. Đề thi THPT quốc gia có hệ thống câu hỏi từ khó đến dễ.

Thí sinh cần chắc chắn và ưu tiên hoàn thiện những câu hỏi dễ trước. Kỹ năng nhận biết câu hỏi khó hay dễ đều đã được các thầy cô hướng dẫn trong quá trình ôn thi và qua các kỳ thi thử. “Hy vọng thông qua kỳ khảo sát vừa rồi, thí sinh đều đã nắm rõ yêu cầu của một kỳ thi vì từ cách ra đề, tới khâu tổ chức, kỷ luật phòng thi đều được mô phỏng theo đúng quy trình của kỳ thi THPT quốc gia sắp diễn ra” - cô Ngọc Trâm chia sẻ.

Lỗi nhỏ nhưng hậu quả nghiêm trọng

Một trong những nhắc nhở không thể thiếu dù không còn lạ lẫm với các thí sinh sắp bước vào kỳ thi năm nay là việc tránh những lỗi vô ý nhưng lại gây hậu quả nghiêm trọng. Theo kinh nghiệm nhiều năm tham gia coi thi, cô Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, lỗi thí sinh hay mắc nhất là mang điện thoại vào phòng thi. Điều đáng nói là nhiều thí sinh không nhận thức rõ việc này, chỉ nghĩ đơn giản là do đi thi xa nhà, ở nhà trọ không có chỗ gửi đồ, các em tắt điện thoại cho vào túi quần.

Đến trường thi, các em ngại không gửi đồ vì tâm lý sợ mất, sợ quên nên cứ để điện thoại trong túi như vậy vào thi. Chỉ đến khi giám thị phát hiện hoặc thí sinh bên cạnh tố giác và bị lập biên bản thì thí sinh này mới hiểu mình phải chịu hậu quả nghiêm trọng mức nào.

Ngay trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT vừa qua của Hà Nội, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, gần chục trường hợp học sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi là điều đáng tiếc nhưng giám thị đã xử lý “đúng luật” vì không thể biện minh cho hành động này khi quy chế thi đã nhắc đi nhắc lại.

Việc bị  đình chỉ thi là mức kỷ luật mạnh, gây ảnh hưởng lớn tới thí sinh, đặc biệt là về tâm lý khi kỳ thi tuyển sinh hay tốt nghiệp đều là những mốc rất quan trọng và phải trả giá bằng cả 1 năm phấn đấu để được thi lại. Đây cũng là thực tế mà năm nào, ở kỳ thi nào cũng đều có thí sinh mắc phải nên các thí sinh không thể bỏ qua nhắc nhở của giám thị về vấn đề này trước kỳ thi.

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Đề thi không có câu hỏi đánh đố thí sinh

Thi THPT quốc gia: Thí sinh tránh mắc lỗi chủ quan ảnh 2

Đến thời điểm này đề thi đã được xây dựng xong. Bộ GD-ĐT đã thực hiện sớm hơn 3 ngày so với những mùa thi trước, bởi khâu vận chuyển và in sao đề thi phức tạp hơn khi triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Với thời gian nhiều hơn, các cụm thi có thể tùy thuộc vào tình hình giao thông, thời tiết để vận chuyển đề thi.

Hiện nay các cơ sở đang in sao đề thi, đầu tuần sau sẽ in sao xong để có thể giao cho các trường. Riêng về cách ra đề thì cấu trúc đề thi năm nay không khác năm 2015. Mặc dù không có đề thi minh hoạ nhưng thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm khi có thể làm quen với kỳ thi này bằng đề thi năm 2015.

Nội dung đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi năm nay không đánh đố, không có những câu hỏi yêu cầu thí sinh phải học thuộc lòng. Sau khi có kết quả, các em dựa vào đó cân nhắc chọn ngành, chọn trường phù hợp với sức của mình.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo thi thành phố Ngô Văn Quý: Cập nhật thông tin liên tục qua cơ quan thường trực chỉ đạo thi

Thi THPT quốc gia: Thí sinh tránh mắc lỗi chủ quan ảnh 3

Ban Chỉ đạo thi thành phố yêu cầu từ nay đến hết kỳ thi, các cụm thi phải phản ánh thường xuyên công tác triển khai qua cơ quan thường trực của thành phố tại Sở GD-ĐT Hà Nội, nơi điều hành giải quyết các vấn đề liên quan đến kỳ thi. Cơ quan thường trực sẽ tiếp nhận các thông tin từ cụm thi và từ Bộ GD-ĐT để thông báo và kịp thời xử lý nếu phát sinh những tình huống cần giải quyết.

Hà Nội cũng tạo điều kiện cấp kinh phí sớm nhất cho các trường ĐH chủ trì cụm thi trên toàn thành phố để tổ chức kỳ thi tốt nhất. Hiện nay, tất cả các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia 2016 đều phải có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối vận chuyển, in sao đề thi, an toàn giao thông, trật tự xung quanh điểm thi.

Đặc biệt, thành phố yêu cầu các trung tâm y tế phải vào cuộc dưới sự chỉ đạo thống nhất, phương án cụ thể từ Sở Y tế để đảm bảo ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng hoặc mưa bất thường, đảm bảo điều kiện sức khoẻ tốt nhất cho thí sinh dự thi.