Thi THPT quốc gia: Lựa chọn bài thi tổ hợp thế nào để tránh điểm "liệt"?

ANTD.VN - Từ ngày 1-4, gần 1 triệu học sinh lớp 12 cả nước bắt đầu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học. Thí sinh phải cân nhắc lựa chọn để làm bài thi phù hợp năng lực, đồng thời đem lại nhiều cơ hội trúng tuyển đại học.

Việc không bị giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học khiến thí sinh phải cân nhắc kỹ việc lựa chọn các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Thi càng nhiều môn, cơ hội xét tuyển càng nhiều nhưng việc phải làm tốt được tất cả 6 môn thi trong 2 bài thi tổ hợp bên cạnh 3 môn thi bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ là điều rất khó.

Thi THPT quốc gia: Lựa chọn bài thi tổ hợp thế nào để tránh điểm "liệt"? ảnh 1Thí sinh còn hơn 1 tháng nữa để lựa chọn môn thi kỳ thi THPT quốc gia 2017

Đăng ký thi THPT quốc gia từ 1-4

Ngày 13-2, thông tin từ Bộ   GD-ĐT cho biết, để thực hiện nghiêm túc Quy chế thi trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT hướng dẫn các Sở GD-ĐT, trường ĐH, CĐ về công tác triển khai. Theo đó, từ ngày 1 đến 20-4, các đơn vị đăng ký dự thi sẽ thu phiếu ĐKDT của thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017. Sau ngày 20-4, thí sinh không được thay đổi bài thi/môn thi đã đăng ký.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra với 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT (gọi tắt là thí sinh Giáo dục THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. 

Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh GDTX có thể chọn dự thi cả bài thi Ngoại ngữ, điểm bài thi này để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ. 

Dưới 1 điểm sẽ trượt tốt nghiệp

Theo quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017, thí sinh dù chỉ cần điểm 1 môn trong tổ hợp xét tuyển đại học nhưng vẫn phải làm bài thi 2 môn khác trong tổ hợp. Giải thích về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, nếu tất cả thí sinh được chọn môn thành phần trong bài thi tổ hợp thì việc kiểm soát một lượng lớn thí sinh vào ra phòng thi, khu vực thi là không thể thực hiện được trong một buổi thi...

Mặt khác, nếu những môn còn lại không nằm trong lựa chọn thi để xét tuyển của thí sinh thì chỉ cần không bị điểm “liệt”. Tuy nhiên, không ít thí sinh vẫn lo ngại nguy cơ bị điểm “liệt” khá cao nếu đến thời điểm này mới đầu tư các môn còn lại trong tổ hợp bài thi.

Nếu điểm thi một trong các môn thành phần của bài thi tổ hợp bị “liệt”, từ 1 điểm trở xuống, thì sẽ trượt tốt nghiệp. Kết quả thi sẽ gồm điểm thi từng môn thành phần và điểm trung bình tổ hợp.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, mỗi bài tổ hợp có 3 môn độc lập, mỗi môn thi có 40 câu, thời gian làm trong 50 phút. Thí sinh thi lần lượt từng môn. Sau khi làm xong bài thi trước, giáo viên sẽ thu đề và phát đề môn thi khác. 

Thí sinh sẽ làm tất cả bài thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm, tương ứng môn đầu từ câu số 1-40, môn 2 từ câu 41-80, môn 3 từ câu 81-120. Với thời gian làm bài thi liên tục trong 150 phút của 3 môn thi, ông Trần Văn Nghĩa cho biết môn thi đầu tiên, thí sinh có 10 phút rà soát đề thi.

Sau đó, thí sinh làm bài trong 50 phút. Hết 50 phút này, giáo viên thu lại đề trong 10 phút, sau đó sẽ phát đề thi mới và thí sinh có 10 phút để rà soát. Như vậy, thí sinh có thời gian nghỉ giữa 2 đề thi là 20 phút.