Thi THPT 2020 giảm độ khó, Bộ chỉ nắm việc ra đề chung, coi thi, chấm thi đưa về địa phương

ANTD.VN - Phương án thi THPT 2020 được nhất trí đến thời điểm này là giảm độ khó, tránh áp lực cho thí sinh vì ảnh hưởng dịch Covid-19 theo hướng Bộ GD-ĐT chỉ ra đề, chấm thi, coi thi do địa phương thực hiện, kết quả để xét tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH riêng.

Phương án chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được Bộ GD-ĐT trình Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam theo hướng kỳ thi vẫn được tổ chức nhưng trả lại đúng bản chất của kỳ thi là để xét tốt nghiệp THPT.

Việc tổ chức kỳ thi được thực hiện trên nguyên tắc của thi tốt nghiệp phổ thông là “học gì, thi nấy” để đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo, bảo đảm phân luồng trong định hướng giáo dục nghề nghiệp, có tính đến việc giảm tải nội dung (giảm độ khó, độ phân hóa của đề thi) cho phù hợp với hoàn cảnh của giáo dục trong điều kiện đất nước phải phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Kỳ thi THPT 2020 sẽ được tổ chức theo hướng giảm nhẹ, chỉ phục vụ xét tốt nghiệp THPT

Bộ GD-ĐT ra đề thi thống nhất trong toàn quốc với các môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có 1 mã đề thi riêng; đảm bảo chất lượng kỳ thi và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.

Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử. Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc).

Các địa phương tổ chức chấm các bài thi tự luận như những năm trước.

Sau khi có kết quả thi, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, do dịch Covid-19  nên phải điều chỉnh chương trình học, thời gian kết thúc năm học.

Do đó,  kỳ thi THPT cũng phải lùi lại đến sau ngày 1/7, khi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH  sửa đổi có hiệu lực.  Vì vậy, kỳ thi phải tuân theo nguyên tắc thực hiện đúng quy định của hai luật này.

Theo ông Đam, cần dần trả lại đúng bản chất cho mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là để xét tốt nghiệp THPT; còn tuyển sinh ĐH là quyền tự chủ của các trường ĐH.

Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý để sớm hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Hiện các trường ĐH cũng đang chờ hướng dẫn chính thức từ Bộ GD-ĐT để quyết định tổ chức thi riêng hay lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh trước lo ngại về độ minh bạch trong các khâu coi thi, chấm thi của mỗi địa phương sau gian lận chấm thi nghiêm trọng tại các tỉnh tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang bị phát hiện.