Thí sinh phải tự tìm hiểu nguyện vọng 2, 3

ANTĐ - Sau khi công bố các mức điểm sàn vào ĐH, CĐ năm 2014, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc xét tuyển theo mức điểm sàn nào sẽ do các trường quyết định và công bố trước ngày 20-8. 

Thí sinh phải tự tìm hiểu nguyện vọng 2, 3 ảnh 1
Với 3 mức điểm sàn thí sinh sẽ phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi
đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, 3

- PV: Năm nay Bộ GD-ĐT đưa ra 3 mức điểm sàn ĐH, vậy Bộ có quy định trường như thế nào thì sử dụng mức điểm sàn tương ứng hay không?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tôi xin khẳng định, Bộ  GD-ĐT không ấn định trường nào sử dụng mức điểm sàn nào mà tùy thuộc sự lựa chọn của các trường. Điều này đã được quy định trong Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH, CĐ được giao tự chủ trong tuyển sinh. Điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra chỉ là cơ sở để trường xây dựng điểm chuẩn chứ chưa phải là điểm trúng tuyển.

- Vậy với thí sinh trượt nguyện vọng 1, làm thế nào để các em có thông tin đầy đủ về quy định xét tuyển của từng trường để lựa chọn, thưa Thứ trưởng? 

- Sau khi có các mức xét tuyển thì các trường công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1, sau nguyện vọng 1 các trường sẽ đưa ra điểm xét tuyển nguyện vọng 2, sau đó nếu còn chỉ tiêu các trường phải công bố tiếp. Năm nay Bộ GD-ĐT không yêu cầu các trường phải báo cáo về Bộ thông tin xét tuyển để tập hợp mà sẽ do các trường công bố trên trang web của mỗi trường. Với các thí sinh có nhu cầu xét tuyển các nguyện vọng 2, 3 thì cần theo dõi kỹ các thông tin này trên trang web của trường hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng. 

- Nếu để thí sinh tự tìm hiểu thông tin từng trường thì sẽ khá vất vả. Vậy Bộ GD-ĐT có nên xây dựng một ngân hàng dữ liệu để thí sinh căn cứ vào đó tìm hiểu cho chính xác?

- Chỉ tiêu tổng thể các trường đã đăng ký hàng năm và có trên website của Bộ, trong quá trình tuyển nguyện vọng 1 còn lại bao nhiêu chỉ tiêu các trường sẽ thông báo. Do đó, các em chỉ nên quan tâm những trường mình có nhu cầu, chứ không nên quan tâm đến tất cả các trường sẽ rất phức tạp.

- Việc lựa chọn điểm sàn xét tuyển là do các trường tự quyết định, vậy liệu có xảy ra tình trạng các trường cùng đưa ra mức xét tuyển thấp để đảm bảo nguồn tuyển dư dôi?

- Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo Nghị định xếp hạng phân tầng giáo dục đại học, tiêu chí để xác định đầu vào của các trường cũng là một tiêu chí quan trọng để xếp hạng. Việc chia làm 3 mức xét tuyển như năm nay cũng là một cách tập dượt cho các trường ý thức được điều đó sẽ rất quan trọng trong tương lai. Các trường nếu tuyển với mức điểm sàn cao thì uy tín sẽ được xếp hạng cao, tạo sức hút cho năm sau. Khi ban hành Nghị định xếp hạng, các trường muốn giữ được vị trí xếp hạng cao thì luôn luôn phải tuyển học sinh ở tốp cao hơn. Như vậy chất lượng sẽ được đảm bảo. 

- Vậy khi nào Bộ GD-ĐT sẽ công bố dự thảo xếp hạng phân tầng giáo dục đại học, thưa Thứ trưởng?

- Bộ đang xây dựng và sẽ có buổi họp chốt lại nội dung và sau đó sẽ đưa ra tham khảo ý kiến dư luận và ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ.

- Bên cạnh những thay đổi về điểm sàn xét tuyển thì lộ trình tuyển sinh sắp tới có điều gì mới?

- Năm nay có 62 trường tuyển sinh riêng. Trong tháng 9 này tất cả các trường phải gửi đề án tuyển sinh riêng cũng như lộ trình thực hiện. Từ khi Luật Giáo dục đại học ra đời thì tuyển sinh là quyền của các trường đại học, các trường chủ động và Bộ chỉ hỗ trợ cho các trường chưa đủ điều kiện, tuyển sinh chung sẽ không tồn tại lâu dài. Ngoài ra, những thay đổi về tuyển sinh cũng được Bộ GD-ĐT tính toán để phù hợp với những yêu cầu mới để giữ ổn định lâu dài.