Thí sinh ồ ạt nộp - rút hồ sơ

ANTĐ - Đúng một tuần nữa đợt xét tuyển đại học đầu tiên sẽ kết thúc. Thời điểm này, nhiều trường đã nhận vượt chỉ tiêu với con số hàng nghìn hồ sơ. Chính vì vậy, lượng hồ sơ nộp vào các trường tốp đầu chững lại, song song với đó là tình trạng tháo rút ồ ạt.
Thí sinh ồ ạt nộp - rút hồ sơ  ảnh 1

Thí sinh và nhà trường đều lo giải bài toán rút, nộp hồ sơ xét tuyển đại học

Thí sinh điểm cao vẫn rút hồ sơ

Chiều 13-8, ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: “Đến thời điểm này, mức điểm chuẩn của nhiều ngành trong trường đã cao hơn năm trước. Lượng hồ sơ trường nhận được cũng đã vượt chỉ tiêu  trên 1.000 hồ sơ. Tuy nhiên, con số này chưa nói lên điều gì khi mà tuần này lượng thí sinh vẫn nộp thêm, đồng thời rút ra cũng nhiều”. Tại ĐH Sư phạm Hà Nội, đại diện Phòng Đào tạo cho biết, đến nay trường này nhận được gần 4.000 hồ sơ trên chỉ tiêu tuyển là 2.800.

Trước thông tin này, lượng thí sinh đã bắt đầu rút hồ sơ với số lượng từ 40-100 hồ sơ/ngày. Thông tin từ ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, với mức điểm từ 22 trở xuống, các thí sinh bắt đầu rút hồ sơ khi lượng hồ sơ đăng ký vào trường này đã gấp đôi chỉ tiêu.  Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường đại học tốp đầu khi thí sinh cảm thấy cơ hội đỗ  không chắc chắn. 

Lo ngại trước những biến động khó lường khi thí sinh rút hồ sơ mà chưa phân tích rõ thông tin, ông Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ chỉ rõ: “Việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây  hiểu nhầm  cho thí sinh và phụ huynh  khiến họ không thể dựa vào số thứ tự  trong danh sách của ngành đăng ký để xem mình có đủ điều kiện trúng tuyển hay không”. 

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Ngày 13-8, Bộ GD-ĐT tiếp tục yêu cầu các Sở GD-ĐT hỗ trợ thí sinh trong xét tuyển vào ĐH, CĐ. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT mở các phòng máy tính, bố trí cán bộ kỹ thuật để trợ giúp thí sinh tra cứu và cập nhật thông tin. Như vậy, thí sinh hoàn toàn có thể nộp, rút hồ sơ trực tuyến từ các điểm xử lý kỹ thuật của Sở GD-ĐT.

Trước thông tin này, một số chuyên gia tuyển sinh lo ngại, nếu có thêm nhiều sở cùng sử dụng phần mềm tuyển sinh chung của Bộ thì lại có thể dẫn đến việc quá tải gây ảnh hưởng đến việc xét tuyển của toàn hệ thống. Các trường cũng lo ngại vấn đề thủ tục khi rút, nộp hồ sơ đều phải đủ giấy tờ, ký nhận. Nếu chỉ nhận thông tin qua dữ liệu của Bộ thì chưa đủ căn cứ xác nhận trong khi chưa thấy Bộ có hướng dẫn gì về thủ tục mới này.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Dong còn lo ngại về tiến độ thực hiện khi có thể xảy ra hiện tượng các Sở chưa chốt thông tin vào cuối ngày 20-8 khiến cho dữ liệu xử lý thông tin của nhà trường bị ảnh hưởng. “Chỉ cần Sở linh động một thí sinh đăng ký quá hạn cũng ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh đã đăng ký trước đó khi  thí sinh này có thể loại chính thí sinh kia” – ông Dong lo ngại. 

Trước nhiều băn khoăn xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận sẽ chính thức trả lời trực tuyến vào sáng 14-8 để giúp cho dư luận hiểu rõ hơn cách làm, mục đích của ngành. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng sẽ lắng nghe những ý kiến đóng góp của dư luận xã hội để tiếp tục cải tiến kỳ thi THPT quốc gia cũng như công tác xét tuyển trong những năm tiếp theo. 

Thanh tra  tuyển sinh đại học, cao đẳng
Với nhiều thay đổi trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay, Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các trường đại học, cao đẳng thực hiện thanh tra tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015. Công tác này nhằm giúp Bộ thu thập thông tin chính xác về việc tổ chức tuyển sinh; chủ động phòng ngừa tiêu cực, phát hiện, xử lý sai phạm; đồng thời phát hiện những bất cập về tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.

Các trường phải thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh tiêu cực trong quá trình tuyển sinh đại học, cao đẳng. Việc thanh tra cũng lưu ý đến việc sử dụng phần mềm tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển  hiện đang triển khai với hàng trăm trường trên toàn quốc.
Duy Anh