Thí sinh lo lắng do nhầm lẫn khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh đại học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thu Thủy, việc hiểu nhầm xét tuyển sớm với các phương thức xét tuyển riêng đã khiến thí sinh cũng như các trường lo lắng khi bị giới hạn con số 20% chỉ tiêu.
Năm 2025, thí sinh lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển đại học với các phương thức tuyển sinh riêng như xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…

Năm 2025, thí sinh lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển đại học với các phương thức tuyển sinh riêng như xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025 của Bộ GD-ĐT đang khiến thí sinh lo lắng với quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), các trường và người học đang bị nhầm lẫn khái niệm xét tuyển sớm và các phương thức tuyển sinh (lưu ý: không có phương thức nào được gọi là “phương thức xét tuyển sớm” cả, vì các trường đều có thể sử dụng các phương thức xét tuyển ở mọi đợt xét tuyển).

Do hiểu nhầm là chỉ có kỳ xét tuyển sớm mới được sử dụng các phương thức xét tuyển “riêng” (mà không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT) nên các trường lo lắng khi bị giới hạn con số 20% chỉ tiêu. Cùng vì hiểu chưa đúng, thí sinh lo lắng bị giới hạn cơ hội xét tuyển ở các phương thức tuyển sinh mà các trường sử dụng như xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…

“Thí sinh không cần lo lắng, dù ở giai đoạn xét tuyển sớm hay giai đoạn xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau mà các em đã và đang chuẩn bị.

Từ hai năm nay, Bộ GDĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT (học bạ) và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng (như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung. Do đó, dự thảo không hạn chế bất kỳ phương thức xét tuyển nào của các trường”, PGS-TS Thu Thủy khẳng định.

PGS Nguyễn Thu Thủy giải thích thêm, xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là 2 thứ khác nhau. Trong đó, xét tuyển sớm được sử dụng để phân biệt về mặt thời gian so với đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, các phương thức xét tuyển được sử dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào.

Chỉ có điều về mặt thời gian của xét tuyển sớm là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên lúc đó chưa thể dùng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà thôi.”

Bên cạnh đó, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học sắp tới có quy định điểm trúng tuyển trong đợt xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm trúng tuyển ở đợt xét tuyển chung.

Các quy định này nhằm hướng đến đảm bảo sự công bằng cho thí sinh, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu vào của tuyển sinh và chất lượng đào tạo ở bậc ĐH.

Do vậy, các em thí sinh có thể yên tâm và tự tin, tiếp tục nỗ lực hết sức, học tập và ôn tập thật tốt (dù đang định hướng theo phương thức xét tuyển nào) để có kết quả cao nhất trong năng lực của mình và các em sẽ có cơ hội cạnh tranh công bằng để vào được trường và ngành mà mình yêu thích.