Thi nhau đổ lỗi cho người chết

ANTĐ - Cho rằng nhân viên của mình chỉ phạm lỗi gián tiếp, đại diện Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đường sắt Hà Thái đã khước từ trách nhiệm bồi thường. Vậy nhưng sau khi xem xét lại vụ án, tòa vẫn buộc pháp nhân của hai bị cáo phải bồi thường cho thân nhân của những người xấu số.

Hai cựu nhân viên gác ghi tại phiên tòa phúc thẩm

Hôm qua (5-7), TAND TP Hà Nội tiến hành phiên xét xử theo trình tự phúc thẩm đối với các bị cáo trong vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra vào đầu tháng 2-2012, trên tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai, thuộc địa bàn xã Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội. Tại Tòa án Hà Nội, Trần Huy Thư (SN 1974, trú ở xã Hiển Khánh, Vụ Bản, Nam Định) cùng Vũ Thị Kim Oanh (SN 1976, ở xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội) - đều là cựu nhân viên gác ghi của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đường sắt Hà Thái (gọi tắt là Công ty Đường sắt Hà Thái) đã lần lượt bị TAND huyện Đông Anh xử phạt 5 năm 6 tháng tù và 7 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định giao thông đường sắt”. Sau phiên tòa sơ thẩm, Trần Huy Thư có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, Vũ Thị Kim Oanh kháng cáo toàn bộ bản án, còn bị đơn dân sự là Công ty Đường sắt Hà Thái kháng cáo không chấp nhận bồi thường thiệt hại.

Nội dung vụ án cho thấy, 4h20 ngày 3-2-2012, ông Nguyễn Văn Thái (SN 1968, trú ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh) điều khiển xe ô tô 16 chỗ ngồi BKS 29-026.63 chở hơn 10 người đi từ xã Vân Nội đến xã Bắc Hồng, cùng huyện Đông Anh. Đến điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tại xã Bắc Hồng, tại Km 26+200 tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai đã va chạm với đoàn tàu hỏa SP4 do lái tàu Lê Đình Tới điều khiển đang đi từ ga Thạch Lỗi đến ga Bắc Hồng. Hậu quả của vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này làm lái xe ô tô chết tại chỗ và 5 người ngồi trên xe bị thương. Ngoài ra, xe ô tô của ông Thái và xe máy của Vũ Thị Kim Oanh (dựng gần đó) bị hư hỏng nặng. 

Tiến hành điều tra vụ TNGT đường sắt này, CQĐT đã làm rõ Trần Huy Thư và Vũ Thị Kim Oanh được Công ty Đường sắt Hà Thái giao nhiệm vụ gác chắn tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt Bắc Hồng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thư và Oanh đã không ít lần tự ý phân chia ca trực với nhau theo kiểu “một người làm việc bằng hai”. 

Vào thời điểm trước khi xảy ra vụ tai nạn, theo lịch làm việc của hai nhân viên đường sắt này thì Thư và Oanh có nhiệm vụ cùng trực gác chắn từ 17h hôm trước đến 7h ngày 3-2-2012. Thế nhưng ngay sau khi nhận ca trực từ ê kíp trước, hai nhân viên đường sắt đã tự thỏa thuận với nhau rằng Thư trực từ lúc nhận ca cho đến 0h ngày 3-2-2012, còn Oanh trực nốt phần thời gian còn lại. Thế nên khi đoàn tàu hỏa SP4 đi tới điểm giao cắt, Oanh đã không thực hiện được hết các phần việc của cả hai người gác chắn, không kịp thời hạ barie để các phương tiện giao thông đường bộ nhường đường cho tàu hỏa. Do đó đã dẫn tới vụ tai nạn đau lòng. 

Chưa dừng lại ở đây, khi tai nạn xảy ra, Oanh lập tức thông báo cho Thư đến ngay hiện trường với mục đích che giấu hành vi tự ý bỏ nhiệm sở, không làm nhiệm vụ theo quy định và lập khống biên bản vụ TNGT. Với hành vi vi phạm quy trình vận hành giao thông đường sắt và vi phạm pháp luật của Oanh và Thư, ngày 27-3 vừa qua, VKSND huyện Đông Anh đã truy tố hai cựu nhân viên đường sắt ra trước tòa án cùng cấp. Cùng ngày, cơ quan xét xử sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt các bị cáo với các mức án nêu trên. TAND huyện Đông Anh cũng tuyên buộc Công ty Đường sắt Hà Thái phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng và trợ cấp nuôi dưỡng cho 4 người thân của lái xe ô tô.

Cho rằng hình phạt nặng, Tòa án Đông Anh xét xử không đúng, cả hai bị cáo cùng làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, chỉ có Trần Huy Thư thành khẩn khai nhận lại hành vi tự ý rời nhiệm sở, bỏ bê công việc và vi phạm quy định giao thông đường sắt. Đồng phạm của bị cáo, Vũ Thị Kim Oanh thì tiếp tục phủ nhận lời khai trong quá trình điều tra khi cho rằng chị ta đã thực hiện đúng và đầy đủ quy trình, quy phạm về gác chắc đường ngang. Bị cáo này đổ thừa cho lái xe ô tô đã không chấp hành tín hiệu đèn đỏ, biển báo giao thông đường bộ tại vị trí giao nhau với đường sắt. Về phía đại diện bị đơn dân sự thì quả quyết, hai nhân viên của họ tuy đã vi phạm quy trình vận hành gác chắn đường ngang, nhưng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn là do lái xe ô tô. Đại diện Công ty Đường sắt Hà Thái còn đưa ra nhận định rằng hai cựu nhân viên của họ chỉ có lỗi gián tiếp trong vụ án này. Từ đó, đại diện pháp nhân của hai bị cáo phủ nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân cùng người thân của họ.

Mặc dù Vũ Thị Kim Oanh không nhận tội, đại diện Công ty Đường sắt Hà Thái phủ nhận trách nhiệm, song sau khi đánh giá, xem xét lại toàn bộ chứng cứ, tài liệu, HĐXX phúc thẩm cho rằng cấp tòa sơ thẩm đã xử lý đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Từ đó, TAND TP Hà Nội quyết định y án sơ thẩm.