Thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự: Rà soát bị can đang bị tạm giam

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự. Kế hoạch nhằm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự bảo đảm thống nhất, hiệu quả. 

* Triển khai Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam

Đồng thời, xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự như Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản; Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã nộp; Nghị định quy định chi tiết việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng...

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan điều tra phối hợp với Viện Kiểm sát tiến hành rà soát những bị can đang bị tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nhưng đến ngày 1-7-2016 không được tạm giam theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mới hoặc thời hạn tạm giam vượt quá thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mới để hủy bỏ biện pháp tạm giam đang bị áp dụng hoặc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mới.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được ban hành ngày 27-11-2015 gồm 9 Phần, 36 Chương, 510 Điều với nhiều quy định mới về cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng hình sự; người tham gia tố tụng hình sự; bào chữa, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của bị hại, đương sự; biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;... Bộ luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2016.

* Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhằm nâng cao trách nhiệm, thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác tạm giữ, tạm giam; cán bộ làm công tác điều tra tội phạm, Kiểm sát viên, Thẩm phán, cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu pháp luật và cho nhân dân.