Thi đua khen thưởng kiểu… phát quốc xẻng

ANTĐ - Trong danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua (CSTĐ) toàn quốc đợt 3 năm 2013 có 83 cá nhân, trong đó 55 người thuộc khối Bộ, ngành và 28 người thuộc khối địa phương. 

(Minh họa: Internet)

Cá nhân duy nhất thuộc khối Bộ, ngành trực tiếp lao động sản xuất là ông Chu Văn Giỏi (công nhân sửa chữa xưởng cơ khí Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam - Bộ Xây dựng). Ngoài ra, 2 chuyên viên còn lại đều là người đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo như Phó Chánh án TAND, Cục trưởng, Phó Viện trưởng, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Trưởng phòng, Chánh văn phòng… Ở khối địa phương cũng chủ yếu là những người “quyền chức” như Giám đốc và Phó Giám đốc Sở, Phó Chủ tịch UBND… Chỉ có một người không nắm giữ chức vụ quản lý là bà Võ Thị Hạnh (giáo viên Trường THCS Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định).

Lật giở lại danh sách đợt 1 và đợt 2 đề nghị phong tặng danh hiệu CSTĐ toàn quốc năm 2013 với hơn 70 cá nhân, cũng khó tìm được cá nhân trực tiếp lao động sản xuất. Trước đó nữa, CSTĐ toàn quốc năm 2012 cũng hầu hết là những người có chức sắc. Năm nay, lại vẫn là tỷ lệ nghịch giữa số người trực tiếp lao động so với người có chức sắc. Đây không phải lần đầu tiên những người trực tiếp lao động sản xuất như công nhân, nông dân vắng bóng trong danh sách CSTĐ toàn quốc. 

Thực tế, có nghịch lý về tỷ lệ đó là do quy định CSTĐ toàn quốc thực thi từ nhiều năm qua có nhiều vấn đề bất cập. Theo đó, cá nhân được đề nghị phải vượt qua rất nhiều khâu, cấp xét duyệt, phải đạt các loại danh hiệu khác mà người không có chức sắc, những người lao động trực tiếp ít khi có được. Tiêu chuẩn để xem xét đề xuất Thủ tướng phong tặng danh hiệu CSTĐ toàn quốc trong luật mới vẫn phải bảo đảm 2 lần là CSTĐ cấp bộ, ngành (trong thời gian 6 năm) đã “vô tình” gạt bỏ từ vòng đề cử những người trực tiếp lao động có thành tích xuất sắc.

Thi đua chỉ là một danh hiệu, có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần là chính. Song sự động viên, khích lệ về tinh thần nếu kịp thời, chuẩn xác sẽ không chỉ có ý nghĩa với cá nhân được khen thưởng mà có thể tạo ra một tấm gương, thậm chí một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Gần đây, thi đua nhiều khi là cạnh tranh danh lợi, thi đua khen thưởng để phục vụ cho tiêu chuẩn đề bạt, bổ nhiệm… nên việc quan chức chiếm ưu thế, còn người lao động thực thụ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ là điều dễ hiểu. Phần thưởng và tôn vinh đang bị lạm dụng và trục lợi. Cho nên dân gian mới có câu rằng: “Bơ sữa phát từ trên phát xuống, cuốc xẻng phát từ dưới phát lên”. Đó là một thực tế đáng buồn! Và hệ quả là nhiều người dù được “đủn lên” để khen thưởng không xứng đáng, không ai phục, công tác thi đua đã phản tác dụng. Nếu các danh hiệu khen thưởng đa phần thuộc về các quan chức mà cứ bỏ rơi người trực tiếp sản xuất thì sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu để cống hiến của người lao động. 

Mới đây, lần đầu tiên TP.HCM thực hiện chương trình bình chọn và tuyên dương “Những gương thầm lặng mà cao cả” vào dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Đó là những cá nhân, tập thể làm nhiều việc có ích cho xã hội, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.

Chương trình này khen người dân, khen những người sản xuất trực tiếp nhiều hơn là khen cán bộ, chức sắc; đặc biệt, họ là những người chưa từng được tuyên dương, khen thưởng. Chủ trương này sẽ có tác dụng rất lớn để đẩy lùi bệnh thành tích, đánh thức đạo đức trong mỗi người; lòng nhân ái, tính hy sinh, tự nguyện tự giác, tự trọng được tôn vinh, làm cho xã hội đẹp hơn. Cũng là để các chức sắc, cán bộ nhìn lại mình mà làm việc cho tốt hơn.