Thí điểm phần mềm quản lý gái mại dâm

ANTĐ - Hiện nay, hoạt động mại dâm trên địa bàn Hà Nội có tính chất ngày càng phức tạp. Đặc biệt, sau khi bỏ áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục lao động xã hội hoặc các cơ sở chữa bệnh bắt buộc thì việc ngăn chặn, xử lý tệ nạn mại dâm ngày càng khó khăn. Để góp phần cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã xây dựng phần mềm quản lý gái mại dâm và triển khai thí điểm ở một số quận, huyện.

Thí điểm tại 59 phường thuộc 3 địa bàn “nóng”

Tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội được đánh giá là đã được kiểm soát, không còn các tụ điểm mại dâm lớn, công khai, gây bức xúc dư luận như trước. Tuy nhiên, hoạt động mại dâm vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội hiện trên địa bàn thành phố ước tính có khoảng 2.000 gái mại dâm đang hoạt động, chủ yếu tại các địa bàn công cộng, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, quán cà phê, cửa hàng cắt tóc gội đầu trá hình. Mại dâm dưới hình thức “gái gọi” có xu hướng gia tăng thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… hoặc qua người môi giới là thành viên trên các trang web “đen”.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Đình Hiền, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, hành vi bán dâm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 -300.000 đồng, trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng. Mức phạt này được cho là quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Thêm vào đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 bỏ quy định áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục lao động xã hội hoặc các cơ sở chữa bệnh như trước đây mà chỉ bị phạt tiền nếu bị bắt quả tang hành nghề. Đây được cho là quy định mang tính nhân văn nhưng khi đi vào thực tế lại gây ra không ít bất cập và khó khăn cho lực lượng thực thi.

Để hỗ trợ thông tin cho các cơ quan thực thi, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã chủ trì xây dựng phần mềm quản lý đối tượng bán dâm và đang thực hiện thí điểm ở 59 phường thuộc 3 địa bàn “nóng” về vấn đề mại dâm là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Phần mềm hoạt động trên cơ sở cập nhật, lưu trữ thông tin về những đối tượng bán dâm đã bị cơ quan chức năng phát hiện. 

Chưa cập nhật đối tượng nào

Mại dâm là một thực tế xã hội, tồn tại từ xưa đến nay và xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Mỗi quốc gia lại có cách thức quản lý riêng để kiềm chế sự phát triển của tệ nạn này nhưng chung quy cũng chỉ có hai hình thức hoặc cấm hoặc công nhận mại dâm là một nghề và áp dụng các biện pháp quản lý đặc biệt. Pháp luật Việt Nam chưa bao giờ coi mại dâm là một ngành nghề, hiện vẫn quy định cấm kinh doanh mại dâm ở nhiều luật khác nhau. Nhưng dù bị pháp luật ngăn cấm, mại dâm vẫn tồn tại. 

Ông Phạm Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, mục tiêu cụ thể của chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 là lấy phòng ngừa làm trọng tâm. Đặc biệt, chú trọng đến các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra nhưng phải tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế.

Thực hiện thí điểm phần mềm quản lý gái mại dâm bằng phầm mềm là hoạt động cụ thể hóa chủ trương trên. Theo ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH Hà Nội, phần mềm hoạt động trên cơ sở cập nhật, lưu trữ thông tin người liên quan hoạt động mại dâm bị cơ quan chức năng phát hiện. Từ đó, nhà chức trách nắm rõ số lần họ vi phạm, địa bàn hoạt động để có biện pháp tiếp cận giới thiệu việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. 

Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội cho rằng, nếu quản lý gái mại dâm bằng phần mềm như vậy vào thời điểm hiện tại có lẽ chỉ quản lý được đối với những đối tượng gái bán dâm đã từng bị xử lý, xử phạt hoặc giáo dục, phục hồi nhân phẩm.

Còn trên thực tế, chúng ta chưa có cơ chế hay có quy định cụ thể, cấp phép cho hoạt động mại dâm để có thể quản lý tất cả những đối tượng hành nghề mại dâm. Bên cạnh đó, chẳng có gái bán dâm nào tự ghi danh mình là gái mại dâm để cơ quan cập nhật vào phần mềm quản lý nên việc này là chưa phù hợp.

Từ đầu năm 2016, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã triển khai tập huấn cho các cơ sở tiến hành thí điểm, tuy nhiên do hệ thống vẫn chưa được vận hành chính thức nên chưa cập nhật được đối tượng nào. Bên cạnh đó, việc cập nhật thông tin được xác lập trên cơ sở phối hợp với cơ quan công an định kỳ 6 tháng/lần để chốt danh sách người bán dâm đã bị phát hiện. Do đó, thông tin sẽ được cập nhật vào phần mềm trong thời gian sớm nhất có thể. 

Thông tin hữu ích với cơ quan thực thi pháp luật 

Từ thực tế công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố cho thấy, do không có cơ sở dữ liệu quản lý các đối tượng hành nghề mại dâm nên việc xử lý của từng cấp còn rời rạc. Cơ quan quản lý không lưu trữ được thông tin nên khi những đối tượng này chuyển địa bàn hoạt động gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Quản lý các đối tượng bán dâm bằng phần mềm không phải là chế tài xử lý vi phạm hành chính nhưng đây là biện pháp hỗ trợ, được kỳ vọng sẽ cung cấp thông tin hữu ích đối với các cơ quan thực thi pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Chỉ cơ quan quản lý Nhà nước mới có thể truy cập thông tin khi cần, chẳng hạn sử dụng thông tin để tăng cường hoạt động hỗ trợ giúp người hoạt động mại dâm hoàn lương. 

Ông Nguyễn Đình Hiền , (Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội) 

Cần thiết thí điểm phần mềm quản lý gái mại dâm

Mại dâm “truyền thống” như trước kia có thể hiểu là đối tượng môi giới và bán dâm thường hoạt động ở địa điểm cố định; giao dịch, thỏa thuận trực tiếp giữa khách với đối tượng môi giới, bán dâm. Còn mại dâm thời công nghệ, lợi dụng ứng dụng mạng Internet, có tính chất, thủ đoạn đối phó phức tạp hơn rất nhiều. Đầu tiên là địa bàn hoạt động rộng khắp của đối tượng môi giới. Kế đến sự “môi giới” - mời chào “ảo” của chính gái bán dâm, khiến công tác đấu tranh không hề đơn giản.

Một thực tế nữa là việc đầu tư, trang bị thiết bị, công nghệ dành cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, xử lý môi giới mại dâm qua mạng hiện nay còn hạn chế. Chính vì vậy, tôi cho rằng ý tưởng, biện pháp thí điểm phần mềm quản lý gái mại dâm là hết sức cần thiết. Nó vừa chủ động, giải quyết diễn biến phức tạp của loại tệ nạn này, vừa có thể tháo gỡ khó khăn về thiết bị, công nghệ trong công tác đấu tranh, phòng ngừa.

Thiếu tá Hoàng Anh Phương,(Đội trưởng Đội CSHS CAH Gia Lâm)