Thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội: Cán bộ dôi dư được bố trí như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chính phủ ban hành Nghị định số  32/2021/NĐ-CP  quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số  97/2019/QH14  ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Mỗi phường bình quân 15 công chức

Theo quy định mới, biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng.

Căn cứ quy định của pháp luật về thẩm quyền và phân cấp, UBND thành phố Hà Nội và Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường.

Chủ tịch UBND quận, thị xã quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND phường (Chủ tịch phường), Phó Chủ tịch UBND phường (Phó Chủ tịch phường); khen thưởng, kỷ luật công chức làm việc tại UBND phường; giao quyền Chủ tịch phường theo quy định của pháp luật.

Sở Nội vụ thành phố Hà Nội thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường.

Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch phường; Phó Chủ tịch phường; Trưởng Công an phường; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự Phường và các công chức khác: Văn phòng – Thống kế; Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường; Tài chính – Kế toán; Tư pháp – Hộ tịch, Văn hóa – Xã hội.

Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận, thị xã.

Mỗi phường của Hà Nội sẽ có bình quân 15 công chức

Mỗi phường của Hà Nội sẽ có bình quân 15 công chức

Căn cứ quy định trên, UBND TP Hà Nội trình HDNĐ TP phân bổ số lượng biên chế công chức của UBND phường thuộc từng quận, thị xã.

Chủ tịch UBND quận, thị xã thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND phường.

Chủ tịch phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở cùng một đơn vị hành chính

Thời hạn giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường cho mỗi lần bổ nhiệm là 5 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực.

Từ ngày 1/7/2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1/7/2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác; trường hợp chuyển sang vị trí việc làm mới thì công chức phải bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp vị trí việc làm đó.

Đối thoại với dân ít nhất hai lần/năm

Theo Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, hằng năm ít nhất hai lần, trước kỳ họp thường kỳ của HĐND quận, thị xã, Chủ tịch phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị đối thoại với Nhân dân ở phường về những vấn đề liên quan đến quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của công dân ở địa phương.

Căn cứ vào quy mô dân số của phường, Chủ tịch phường có thể tổ chức đối thoại với nhân dân qua các đại diện tổ dân phố.

UBND phường phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi thông báo đến Tổ trưởng tổ dân phố về thời gian, địa điểm, nội dung của hội nghị đối thoại với nhân dân chậm nhất là 7 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.

Cán bộ không phù hợp được giải quyết chế độ, chính sách

HĐND TP, UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phường và các trường hợp đang là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường nhưng không được bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường khi thực hiện Nghị định này.

Các bộ phường không được chuyển thành công chức thì thực hiện giải quyết chế độ, chính sách theo quy định.

UBND TP Hà Nội trình HĐND TP ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức ở phường thuộc diện giải quyết chế độ, chính sách theo quy định tại Nghị định.