Thí điểm bỏ HĐND phường: Hà Nội đã sẵn sàng cho đổi mới, "ý Đảng, lòng dân" đã hợp nhau

ANTD.VN - Góp ý về việc thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) phường ở Hà Nội, ĐBQH Phùng Văn Hùng bình luận: “Hà Nội đã chủ động và sẵn sàng cho đổi mới, không có lý do gì mà Quốc hội không ủng hộ khi “ý Đảng, lòng dân” đã gặp nhau”.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương ủng hộ chủ trương không tổ chức HĐND phường ở Hà Nội

Chiều nay, 14-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Theo dự thảo Nghị quyết này, bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021-2026 tới đây, sẽ thí điểm không tổ chức HĐND ở 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội.

Qua thảo luận, nhiều ĐBQH tán thành với tờ trình của Chính phủ và chủ trương thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhắc lại việc Quốc hội khóa XIII khi sửa đổi Hiến pháp thì cũng có rất nhiều ĐBQH đề nghị không tổ chức HĐND cấp xã phường.

ĐB Phương cho biết, thời điểm đó cũng có 10 tỉnh/ thành phố đã thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, song do còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận nên Quốc hội đã không xem xét.

“Tuy nhiên lần này, qua nghiên cứu tờ trình của Chính phủ, đề án về mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, tôi thấy khâu chuẩn bị rất chu đáo. Nó cũng cho thấy Hà Nội đã có bước chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và dám đột phá, dám làm” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH Quảng Bình nói.

Phân tích kỹ hơn, ĐB Nguyễn Ngọc Phương cho biết, về cơ sở lý luận, thí điểm bỏ HĐND phường ở Hà Nội là việc làm thể chế hóa kịp thời Kết luận số 46-KL/TƯ của Bộ Chính trị về “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội”, đồng thời là bước đi táo bạo đổi mới để thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy.

Về cơ sở thực tiễn, thí điểm bỏ HĐND phường là chủ trương lớn, quan trọng, mang tính chất xã hội sâu sắc và góp phần đáp ứng được yêu cầu trình độ đô thị hóa, hội nhập quốc tế ngày càng cao của Thủ đô.

Thí điểm cũng phù hợp với yêu cầu giảm cấp trung gian, giảm thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

Cùng ý kiến, ĐB Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cho rằng, tổ chức cấp chính quyền phường hiện nay không thực sự phát huy được hiệu quả cao, thậm chí còn tạo nên một bộ máy cồng kềnh, làm chậm quá trình tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm lãng phí nguồn lực.

Vì thế, việc thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội là phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành, tất cả các quyền của nhân dân được bảo đảm đầy đủ.

“Cá nhân tôi rất tin tưởng vào sự thành công của chủ trương này vì đây là chủ trương lớn của Đảng, đồng thời đây là ý nguyện của người dân Hà Nội. Hà Nội đã chủ động và sẵn sàng cho đổi mới, không có lý do gì mà Quốc hội không ủng hộ khi “ý Đảng, lòng dân” đã gặp nhau” – ĐB Hùng nêu quan điểm.

Trong khi đó, ĐB Phan Thị Bình Thuận (đoàn TP Hồ Chí Minh) không những ủng hộ việc cho phép Hà Nội thí điểm bỏ HĐND phường mà còn kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép thí điểm mô hình này tại một số tỉnh, thành phố khác để có cơ sở so sánh, đối chiếu và đánh giá, hoàn thiện quá trình thí điểm. Từ đó, có quyết sách, chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Dù vậy, qua thảo luận, nhiều ý kiến ĐBQH cũng băn khoăn về địa vị pháp lý của UBND phường khi không tổ chức HĐND, về cơ chế giám sát đối với UBND phường, chế định trách nhiệm của cá nhân và tập thể UBND phường…