Thị dân đi lễ

ANTD.VN - Trong nhiều ngữ cảnh ở tiếng Việt, chữ “thị dân” rất hay bị hiểu lầm theo hướng tiêu cực. Thực ra nghĩa của nó khá trung tính, thậm chí phần tốt còn nhiều hơn phần xấu. Có lẽ vì thế, những đô thị văn minh phương Tây lâu đời thường rất tự hào về những đứa con thị dân của mình. 

Ở phương Đông, văn hóa thị dân cũng có mặt rất sớm. Tất nhiên, do truyền thống trọng nông, nó chỉ đậm đặc ở những nơi đô hội lớn. Dễ dàng nhận thấy những nét văn hóa này qua cách ăn cách mặc, đặc biệt là qua những nghi thức sinh hoạt tâm linh thiêng liêng, ví như đi lễ chẳng hạn. Quanh năm ở ta, vào những ngày đáng kể như Sóc hay Vọng, Giáng sinh hay Phật đản, nhất là mấy ngày trước hay sau Tết Nguyên đán, thường thấy nườm nượp những thị dân trầm mặc hồ hởi cung kính đi tới các chùa, các đền hay các nhà thờ. 

Đã từ xa xưa, chữ “lễ” của người Việt luôn quấn quýt với chữ “hội” gần như thành một, nôm na hiểu là những nghi thức cầu cúng thiêng liêng của một cộng đồng dân cư tương đối hẹp, kiểu như “làng”. Trong buổi hội làng đấy, ngoài những lễ uy nghi, đương nhiên thì cũng có khá nhiều những sinh hoạt vui chơi vô tư dân dã mà nhất thiết không cứ là ăn uống hay làm trò. Có thể đó là đánh đu, là thả diều, là chơi quay. Và cũng có thể tệ hơn là leo cột mỡ, là liền anh liền chị ngả nón xin tiền. Đại loại, lễ là biểu hiện thuần túy mặt tâm linh, còn hội là những trò vè văn hóa xảy ra sau khi buổi lễ kết thúc. Nói chung, lễ bao giờ cũng có trước, còn hội là phát sinh theo sau. Có phải thế chăng mà nhiều người đã dung tục hiểu, sau những nghi lễ thiêng liêng phát ấn thì đến phần hội là lao vào cướp ấn rồi bán ấn.

Trong những dân phố hôm nay nườm nượp đi lễ ấy, đàn bà phụ nữ luôn trội hơn, thế nhưng đàn ông cũng không hề là hiếm. Thủa ban sơ, do chưa có smartphone để hấp tấp “bốt” ảnh lên mạng xã hội nên hình hài của họ thường mơ hồ không rõ rệt.

Theo những hình vẽ ở tranh dân gian như Đông Hồ, như Hàng Trống, đàn ông đi lễ hồi xưa (tất nhiên không kể những người tham gia với vai trò tổ chức) ăn mặc khá sặc sỡ, mặt mũi mang nét phảng phất nữ tính. Hơn nữa, nói như cụ Phan Huy Chú trong lời thưa đầu phần Lễ Nghi chí, thì “từ đời Đinh, đời Lý về trước, nghi tiết còn đơn giản. Đến đời Trần, đời Lê về sau, lễ chế mới nhiều. Hoặc trước sơ lược mà sau mới tường tận hơn, hoặc trước không mà sau mới có”. Đó là do thói đời bị câu nệ “phú quý sinh lễ nghĩa”, cái thành ngữ này đúng cả cho rườm rà triều đình hay thô mãng thảo dân. Và nó cực kỳ đúng cho những thị dân ham đi lễ thời nay.

Tất nhiên, người đi lễ bây giờ thì cũng nhang nhác hao hao giống như thời xưa thôi, bởi lịch sử nhiều khi mang hình trôn ốc, chỉ là những vòng luẩn quẩn xoáy đi xoáy lại. Nếu có điều khác biệt thì đó là càng ngày càng ít những trong trắng ngây thơ. May mắn thay, ở những đô thị lớn lác đác vẫn còn. Hoặc vô cùng đáng yêu như cô bé trong kiệt tác “chùa Hương” của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp.

Nàng đi lễ chỉ cầu xin ái tình và khối chân tâm trắng trong đấy đã được Trời Phật đền đáp: “Ngun ngút khói hương vàng. Say trong giấc mơ màng. Em cầu xin Trời Phật. Sao cho em lấy chàng”. Hoặc bọn họ hay giắt theo chai rượu, la cà phóng túng từ hội vui này sang hội vui kia, miệng hớn hở cười vô tư thanh thản. Có họ, lễ hội dường như được “nhuận sắc” hơn, bởi họ luôn chân thành yêu quý mọi phong tục, mọi truyền thống của từng vùng quê. Thảng trong số đó có vài gã kỳ dị ngông ngạo, đi lễ với họ là du sơn nhạo thủy. Đám này hay tìm đến những chùa nhỏ hay tu viện vắng ở khuất nẻo, rồi bỏ hàng buổi ngồi “chém gió” với mấy vị tu hành bơ vơ ở đấy. Họ thường không thấy mặt ở những chùa to mới xây đông người, vì họ quan niệm “đại tự” phải có “đại sư”. Đã là thiêng liêng hoành tráng thì vị trụ trì chủ chăn ở đó không được phép thấp bé. Đã là đức tin, đã là tín ngưỡng thì không bao giờ có chuyện “vô lễ”.

Ngoài những kiểu đi lễ kể trên, đương nhiên hôm nay còn có nhiều loại khác. Đó là những người trước đây tay cũng trắng, bây giờ không hiểu sao chợt nhiên sáng ngời long lanh thơm nức mùi tiền. Của trăm bạc triệu không rõ từ đâu cứ cuồn cuộn đổ về. Hiếm hoi là nhờ tài năng, còn hầu hết là do phúc nhà hay lộc giời. Mà đã là “phúc” là “lộc” thì thường mơ mơ màng màng xuất xứ bất định, tự nhiên áy náy quá, đành phải hỏi người. Và mọi người, chủ yếu gồm người thân hoặc người tình, cấp dưới hoặc bạn buôn cùng, tất tật đều khuyên là nên đi hỏi thầy.

Và mọi thầy, hoặc cụ thể như thầy bói, thầy cúng… hoặc siêu hình như thầy đời, thầy dùi… đều xui rằng cách tốt nhất là “đi lễ”. Bọn họ run run nghe theo, chọn ngày chọn giờ leo lên ô tô cùng một mâm đồ lễ ngã ngửa to đùng. Xem bọn họ cầu khấn mới thấy xúc động, phần lớn nức nở lăn lóc dưới chân tượng. Bọn họ xin tai qua nạn khỏi, xin phát đạt thịnh vượng. Bọn họ thành tâm khấn rằng, mong ơn trên cho cái đứa đang chạy chức chạy quyền cùng mình, trước sau cũng sẽ lâm cảnh khốn nạn. Sau một hồi sụt sùi vái lạy, họ phát tâm từ thiện, hung hăng tranh nhau xây lại cửa tam quan nhà chùa, lợp lại mái vòm nhà thờ. Tiền công đức cả mớ, họ rưng rưng dúi vào cửa thánh. Và các vị ngồi trông cửa thánh mới thật đáng nể, luôn khiêm nhường không trực tiếp nhận, chỉ đạo mạo rút iPhone từ sâu trong áo lễ, nhắn cho tín chủ số tài khoản.

Dù gì thì gì, thị dân biết đi lễ vẫn là loại người hay. Bởi lễ hội luôn là nơi nuôi dưỡng và gìn giữ tâm linh cho dân tộc để từ đó tạo ra một hồn cốt riêng biệt nghìn năm bất diệt của người Việt. Nó đã và sẽ chẳng bao giờ mất.