Thi đại học “3 chung”: Tốn kém, phức tạp, nhưng chưa thể bỏ

(ANTĐ) - Lãnh đạo các trường đại học đều lên tiếng về hình thức tổ chức thi đại học hiện nay cồng kềnh và gây nhiều áp lực cho xã hội. Tuy nhiên, thời điểm thích hợp để bỏ thi “3 chung” (chung đề thi, chung đợt thi và chung điểm) vẫn là dấu chấm hỏi.
 

Bỏ thi “3 chung” được đa số các trường ủng hộ với điều kiện có sự chuẩn bị kỹ lưỡng

Thi quá đông dễ xảy ra sự cố

Đưa ra nhận định về những sự cố xảy ra trong kỳ thi ĐH vừa qua, ông Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, một kỳ thi với số lượng tập trung lên tới hơn 1 triệu thí sinh khắp cả nước nếu không có sự cố mới là lạ. Ngoài ra, điều mà ông Nguyễn Đức Hinh băn khoăn hiện nay là tình trạng cả xã hội được huy động vào kỳ thi gây nên sự xáo trộn lớn và chứng tỏ tính chất quá cồng kềnh của kỳ thi này. “Như trường tôi có tới 1.500 cán bộ được huy động tham gia, tương tác thêm với gần 20.000 thí sinh, chưa kể người nhà các em cùng với các lực lượng ban, ngành, chính quyền địa phương tham gia tổ chức cho kỳ thi này thì có thể thấy bao nhiêu người đã phải bỏ lại công việc của mình để tập trung cho việc thi cử”.

Phân tích những bất cập của hình thức thi “3 chung” bên cạnh những ưu điểm của nó, ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng mỗi lần tổ chức thi đại học là một lần tổng động viên cả xã hội. Tuy thế, các trường tổ chức thi đều gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, đi lại, vận tải và cả vấn đề nhân sự. “Khâu tổ chức muốn được hoàn chỉnh thì nhân sự phải đầy đủ và được tập huấn tốt, tuy nhiên do thiếu người, rất nhiều trường phải huy động cả lực lượng sinh viên đi trông thi thì rất khó đảm bảo các em đủ kinh nghiệm, bản lĩnh để đối phó với nhiều tình huống có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi” - ông Vũ Văn Hóa phân tích. Về tương lai, nên quay lại ủy quyền cho các ĐH hay khối ĐH tổ chức theo ngành, các trường ngành kỹ thuật, kinh tế hay KHXHNV thi theo khối ngành. Đến một lúc nào đó nên thi như cao học hiện nay, từng trường đảm nhiệm, có thể thi nhiều đợt.

Cần chuẩn bị tiền đề để bỏ thi “3 chung”

Xuất phát từ thực tế thi cử nhiều năm nay, ông Nguyễn Đức Hinh phân tích hiện ngành giáo dục đang tổ chức nhiều kỳ thi quốc gia quá liền nhau. “Thi đại học và thi tốt nghiệp THPT cách nhau có 1 tháng. Thí sinh đi thi đại học còn chưa được cấp bằng tốt nghiệp. Thế thì tại sao không nhập vào làm một? Vấn đề là công tác tổ chức thế nào. Ở đây đòi hỏi có một tổng công trình sư và đây có thể coi là một cuộc cách mạng đối với thi cử của chúng ta.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương, việc bỏ thi cần cân nhắc kỹ thời điểm chín muồi. Về lâu dài có thể bỏ thi nhưng phải chuẩn bị tiền đề. “Cần nhìn ra các nước tiên tiến như Nhật Bản, thực tế nhu cầu học đại học thấp hơn nhiều so với khả năng đào tạo của các trường nhưng họ vẫn tổ chức thi. Có thể hiểu rằng việc tổ chức thi là để mọi người thấy được việc học phải có khả năng thực chứ không phải ai muốn học cũng được học” - ông Bùi Ngọc Sơn đưa ra ví dụ.

Đánh giá về việc mở rộng đầu vào đối với tuyển sinh đại học như nhiều ý kiến đưa ra, ông Bùi Ngọc Sơn cho rằng đây cũng là cách thức tuyển sinh hay nhưng xét với điều kiện Việt Nam thì còn nhiều bất lợi bởi nếu cho cả những người không đủ khả năng vào học rồi lại bị loại ra hoặc kéo dài thời gian học tập thì sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội. “Về góc độ cá nhân tôi rất muốn bỏ kỳ thi ĐH để giảm áp lực cho xã hội, tuy nhiên, tính ở thời điểm này, vì muốn hài hòa giữa điều kiện kinh tế, xã hội và đảm bảo chất lượng đào tạo thì vẫn cần tổ chức thi đại học. Muốn đơn giản hóa, giảm áp lực thi cử nhưng phải đảm bảo điều kiện đủ để triển khai. Đơn cử việc ĐHQG TP Hồ Chí Minh muốn tuyển thẳng học sinh năng khiếu do cơ sở của trường đào tạo nhưng cuối cùng cũng phải rút lại bởi sẽ nảy sinh nhiều vấn đề trước sức ép của xã hội” - ông Bùi Ngọc Sơn phân tích.