Theo hiệu ứng lan tỏa

ANTĐ - Thông thường, tháng 1 và 2 là dịp Tết cổ truyền, sức mua lớn nên CPI thường tăng trên 1%. Mức tăng giá tiêu dùng tháng 1 của Hà Nội là 0,7%, của TP.HCM là 0,4%, mức tăng ở hai đầu tàu kinh tế có tác động đến CPI cả nước. Do đó, CPI cả nước trong tháng 1 và đầu tháng 2 ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước.

Trong nhiều năm qua, CPI tháng 1 thường ở mức trên 1%, cá biệt có năm lên tới 2% hoặc 3%. CPI hai tháng đầu năm nay ở mức thấp khác thường cho thấy, nguyên nhân chủ yếu là sức cầu thấp, trong khi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã chuẩn bị hàng hóa cung ứng dồi dào và không nâng giá để giải tỏa hàng tồn kho. Mặc dù vào những ngày giáp Tết, giá cả một số nhu yếu phẩm có tăng lên đôi chút, song cũng không tạo nên cơn “sốt” giá bất thường, gây xáo động thị trường. Quan sát diễn biến tiêu dùng dân cư, một số chuyên gia giá cả thị trường nhận định, có một chuyển biến tích cực tâm lý tiêu dùng Tết. Đó là xu hướng tiêu dùng quanh năm, không nhất thiết đến Tết mới đổ tiền ra mua sắm. Tình hình thị trường nhìn chung là sức mua kém, các siêu thị chỉ hy vọng bán được bằng năm ngoái. Hàng hóa tiêu thụ số lượng lớn là hàng có giá trung bình thấp, hàng nội bán chạy hơn hàng ngoại.

Đáng chú ý là, thị trường hàng hóa ổn định giá do nguồn cung tốt, nhưng cung nhiều mà chất lượng lại ít. Rau nhiều nhưng rau sạch ít, thịt nhiều nhưng có dấu chứng nhận kiểm dịch ít. Trong khi TP.HCM quyết định không hỗ trợ kinh phí, ngân sách cho việc bình ổn giá thì Hà Nội vẫn áp dụng chương trình này với nguồn vốn lên tới 300 tỷ đồng. Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, thay vì đổ tiền trực tiếp cho hàng loạt mặt hàng bình ổn giá, nên chọn một hai mặt hàng có khả năng “sốt” giá để bình ổn sẽ hiệu quả hơn. Để góp phần giữ ổn định giá cả thị trường, Bộ Tài chính đã có công văn gửi 19 tỉnh, thành phố về việc tăng cường thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2014. Để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2014 khoảng 7%, Bộ yêu cầu thường xuyên theo dõi diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, đặc biệt những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và sau Tết, thời điểm nhạy cảm. Hiện nay, lạm phát kỳ vọng đã giảm, để kích thích tăng trưởng kinh tế, các địa phương đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nên có biện pháp kích cầu. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đạt được mục tiêu kích cầu nhưng không gây áp lực lên lạm phát.

Muốn kích cầu mà không làm tăng lạm phát, một số chuyên gia hiến kế, cần giảm thuế giá trị gia tăng trong một thời gian nhất định. Giảm thuế sẽ làm giá hàng hóa giảm, khuyến khích người tiêu dùng mua sắm, làm tăng tổng cầu, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho và có dòng tiền về ngay giúp cải thiện thanh khoản. Cứ thế, theo hiệu ứng lan tỏa, các doanh nghiệp sẽ gia tăng sản xuất và sẽ kích thích cả nền kinh tế.