Thêm vấn đề pháp lý trong vụ thầy lang làm... bệnh nhân sinh con ở Bắc Giang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về sự việc khá hi hữu xảy ra tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Một phụ nữ đi chữa hiếm muộn đã bị thầy lang làm hai lần có bầu, sinh con. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi người chồng đưa 2 đứa trẻ xét nghiệm ADN. Nhiều người đặt câu hỏi: Nếu 2 cháu bé đúng là con thầy lang thì trách nhiệm cấp dưỡng được xác định thế nào?

Được biết, kết quả giám định ADN của cả hai bé cho thấy chúng không cùng ADN với anh X mà lại là con ông Hải. Hiện anh X đã làm đơn tố cáo ông Hải tới CAH Lục Ngạn, vụ việc đang tiếp tục được xác minh làm rõ.

Liên quan đến sự việc trên, điều được nhiều người quan tâm trách nhiệm cấp dưỡng của cha ruột đối với 2 đứa trẻ. Về vấn đề này, theo Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu

Do đó, chỉ khi được xác nhận là có quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng thì mới xảy ra nghĩa vụ cấp dưỡng.

Điều đó có nghĩa là nếu hai người không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng, người con sinh ra mặc dù có quan hệ huyết thống nhưng thực tế để được yêu cầu cấp dưỡng thì sẽ rất khó nếu một bên trốn tránh không cấp dưỡng.

Trong trường hợp này, để được yêu cầu cấp dưỡng thì phải có quyết định xác nhận cha, mẹ con để xác định quan hệ huyết thống. Sau khi được công nhận là cha, mẹ con thì hoàn toàn có quyền yêu cầu cấp dưỡng cho con. Nếu người này trốn tránh nghĩa vụ thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để buộc người này phải thực hiện nghĩa vụ của mình – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

"Thầy lang chữa vô sinh" ở Bắc Giang và tờ quảng cáo khám chữa bệnh

"Thầy lang chữa vô sinh" ở Bắc Giang và tờ quảng cáo khám chữa bệnh

Về mức cấp dưỡng, Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình nêu rõ, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng cố tính không cấp dưỡng cho con có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định, cá nhân có hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau sinh, không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm, vật chất với trẻ em thì có thể bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Ngoài bị xử phạt hành chính, nếu việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong khả năng của mình làm con bị nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 186 BLHS 2015 về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng với hình phạt là cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.