Thêm niềm tin và sức mạnh chiến thắng dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp và khó lường, song đang có những tín hiệu tích cực tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho chúng ta trong cuộc chiến chống đại dịch. Đó là số ca mắc mới hàng ngày đang có xu hướng đi ngang, chững lại ở những vùng có dịch lớn nhất và đặc biệt số bệnh nhân được chữa trị khỏi và xuất viện đang ngày càng tăng.
Việc nhiều bệnh nhân nguy kịch hồi phục kỳ diệu cũng như nhiều bệnh nhân ra việc đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Việc nhiều bệnh nhân nguy kịch hồi phục kỳ diệu cũng như nhiều bệnh nhân ra việc đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh trong cuộc chiến chống dịch Covid-19

Thần tốc, khoa học và hiệu quả điều trị bệnh nhân

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, tính tới sáng 5-8, các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước đã điều trị khỏi 54.332 bệnh nhân Covid-19. Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện nay, đa số là các bệnh nhân trong tình trạng nhẹ, một số trong tình trạng trung bình và nặng. Trong đó, số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU (hồi sức tích cực) là 470 trường hợp và số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo) là 21 trường hợp.

Có thể nói, với tổng số 181.756 ca mắc Covid-19 tính tới sáng 5-8, thì con số 54.332 bệnh nhân được chữa trị khỏi và ra viện còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực nhất là hiện số bệnh nhân được chữa khỏi mỗi ngày đang có xu hướng tăng nhanh với khoảng trên 3.000 trường hợp mỗi ngày, trong đó mới nhất là ngày 5-8 có 3.501 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và xuất viện trở về nhà.

Để số bệnh nhân Covid-19 được chữa trị khỏi mỗi ngày một nhiều trước hết là tận tâm, tận lực, hết lòng vì người bệnh của đội ngũ y bác sĩ đã quên mình chiến đấu, nhiều trường hợp là vô cùng “ác liệt” để giữ lại sức khỏe, tính mạng cho người bệnh. Cùng với đó là những biện pháp nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả của ngành y tế cũng như cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương.

Có thể nói, chưa khi nào ngành y tế nước nhà phải đối mặt với một dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bộc phát trong một thời gian ngắn với một số lượng bệnh nhân lớn tới vậy. Trong tổng số hơn 181 nghìn ca mắc Covid-19 từ tháng 1-2020 tới nay, thì số trường hợp ca bệnh tăng đột biến trong đợt dịch thứ tư bắt đầu từ ngày 27-4 tới nay với tổng số 177.855 người mắc bệnh, và cao điểm từ trung tuần tháng 7 đến nay với khoảng 7-8.000 ca bệnh mỗi ngày.

Nhằm chữa trị kịp thời cho số lượng lớn bệnh nhân Covid-19, toàn ngành y tế, trước hết là các địa phương là các vùng có dịch lớn như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…, đã huy động tổng lực cả về đội ngũ nhân lực và cơ sở sở vật chất để thu dung, điều trị các bệnh nhân. Chỉ trong thời gian ngắn, TP.HCM đã “thần tốc” xây dựng được 16 bệnh viện dã chiến với khả năng tiếp nhận và điêu trị cho khoảng trên 50 nghìn bệnh nhân mắc Covid-19.

Để điều trị các trường hợp nặng và nguy kịch, TP.HCM đã thiết lập bệnh viện chuyên biệt với 1.000 giường tại TP Thủ Đức. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang có cơ sở điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới với 300 giường và Bệnh viện Chợ Rẫy với 300 giường.

Tại các địa phương dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng đã triển khai các biện pháp cấp bách tương tự. Những bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyên sâu chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 liên tiếp hình thành với tốc độ… “thần tốc”…

Sức khỏe và tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết

Bên cạnh nỗ lực của các tỉnh và thành phố phía Nam đang có số bệnh nhân Covid-19 gia tăng nhanh, cả ngành y tế cũng tích cực chi viện, “chia lửa”, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả với quyết tâm tất cả vì sức khỏe và tính mạng nhân dân, “tính mạng của người dân là trước hết và trên hết”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành y tế huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế tham gia hỗ trợ chống dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Cùng với các địa phương khác trên cả nước, TP Hà Nội với vai trò là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, đã chi viện kịp thời, thiết thực và hiệu quả. Trong ngày 5-8, hơn 300 y, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã vào “3 cùng” tại Trung tâm Hồi sức tích cực ở TP.HCM. Đây là những bác sĩ chuyên ngành hồi sức, gây mê, ngoại khoa… và điều dưỡng có khả năng thiết lập, vận hành thở máy để điều trị tốt nhất cho người bệnh. Đội quân tinh nhuệ này cùng hàng trăm thiết bị y tế hiện đại khác của Bệnh viện Việt Đức đã chuyển vào ngày 4-8 sẽ lập tức lao vào "trận chiến" chống “giặc” Covid-19 để bảo vệ tính mạng và sức khỏe các bệnh nhân nặng và nguy kịch.

Trước đó, ngày 2-8, hơn 180 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai cùng 10 tấn trang thiết bị y tế hiện đại như máy thở chức năng cao, máy lọc thận, monitor... đã tới Bệnh viện dã chiến số 16 tại quận 7, TP.HCM. Đội ngũ này là nòng cốt tại bệnh viện quy mô gần 3.000 giường để thu dung, điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng.

Sự chi viện, tiếp sức kịp thời và quý giá của đội quân “chiến sĩ áo trắng” khắp cả nước cùng nguồn lực trang thiết bị y tế sẽ hỗ trợ hiệu quả để các địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp điều trị tốt hơn, giảm số trường hợp bệnh nặng, đặc biệt là trường hợp tử vong. Cùng với đó, là số lượng bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện về nhà sẽ còn gia tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, với nhận thức sâu sắc rằng tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, khôn lường nên chúng ta tuyệt đối không chủ quan, luôn có phương án ứng phó phù hợp. Với nhận định sự xuất hiện biến chủng Delta tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước, số ca bệnh nguy kịch và tử vong trong đợt dịch thứ tư hiện nay tăng cao, Bộ Y tế mới đây đã phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng”, theo đó thành lập 12 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, đặt tại 12 bệnh viện, với quy mô mỗi trung tâm từ 2.000 - 3.000 giường…

Có thể thấy, dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội, nhưng đang có những tín hiệu tích cho chúng ta niềm tin, động lực và sức mạnh chiến đấu trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” với mục tiêu trước hết và trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.