Thêm những chứng lý vật chất khẳng định sức sống văn hóa Việt

ANTD.VN -Sáng nay, 26/9, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Thông báo những phát hiện mới năm 2019. Nhiều phát hiện quan trọng, những thành quả nghiên cứu mới đa dạng và có giá trị đã được công bố, tiếp tục khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến Đại Việt.

Hà Nội: phát hiện mộ cổ trên đường Phạm Văn Đồng

Tháng 2/1019, tiếp tục khai quật di tích Luy Lâu nhằm xác định dấu tích đoạn thành Ngoại phía Nam cùng các vấn đề về cấu trúc, niên đại tường thành.

Các dấu tích đã chỉ ra, tường thành Ngoại phía Nam được xây dựng vào khoảng thế kỷ 9. Kết quả tiến hành khoan thăm dò địa tầng tại một số vị trí ở trong và ngoài thành đã xác định được dấu vết hào nước của tường thành Ngoại phía Nam và hào của tường Nội thành phía Đông (phát hiện 2014) cho thấy, các đoạn hào này có độ rộng khoảng 8m, sâu 4m. Kết quả này khá tương thích với nghiên cứu năm 2017.

Chùa Am Các (Thanh Hóa) do  Viện Nghiên cứu Kinh thành tiến hành khai quật đã phát hiện 8 di tích kiến trúc, 3 lò nung gạch ngói và hàng nghìn di vật, vật liệu xây dựng, trang trí kiến trúc gỗ, đồ gốm sứ, sành và đất nung.

2 ngôi mộ cổ được phát hiện tại Xuân Đỉnh- Bắc Từ Liêm trong quá trình thi công đường Phạm Văn Đồng

Căn cứ vào di vật, các nhà khảo cổ đã đưa ra đoán định, chùa Am Các quy mô lớn với tòa ngang dãy dọc tọa lạc trên vùng núi cao phía Nam xứ Thanh thuộc hai thời kỳ khác nhau: Thời Trần (TK14) và thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 18). Khu di tích tảng đá khắc hình tượng phật (nằm ở đường lên chùa Am Các) tuy nhiên việc xác định niên đại của di tích chưa thống nhất.

Cũng tại Thanh Hóa, Viện khảo cổ học khai quật khu di tích Lăng miếu Triệu Tường. Di tích xuất lộ cho thấy dấu tích Lăng miếu Hoàng tộc Nguyễn có mặt bằng, quy mô, cấu trúc khác lạ, kỹ thuật xây dựng cầu kỳ, công phu bậc nhất so với khu lăng mộ Việt Nam hiện biết.

Bên cạnh đó, một số khai quật thăm dò cũng đã được tiến hành tại các di tích Thành Dền, Đền Đa Giá Hạ (Ninh Bình), gò Chùa (Kiến Tường), di tích Bảo Tiền (Đồng Tháp), các khu lò gốm cổ Bắc Giang…

Đồ tùy táng được tìm thấy trong ngôi mộ có niên đại TK VI-VII tại Xuân Đỉnh

Đặc biệt, Viện khảo cổ học đã tiến hành khai quật khẩn cấp 2 ngôi mộ gạch phát hiện tại trụ cầu P96 đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội. Mộ còn khá nguyên vẹn về cấu trúc, và phong phú đồ tùy táng. Ngôi mộ này xác định có niên đại khoảng cuối thời Tùy, đầu thời Đường, thế kỷ VI-VII.

Nhiều dấu tích tàu cổ tại biển Bình Châu

Các hoạt động của Khảo cổ học dưới nước tiếp tục trở thành điểm nhấn đáng chú ý trong thời gian gần đây tại mỗi kỳ tổ chức Hội nghị thông báo.

Các thành viên của chương trình Khảo cổ học Hàng hải Việt Nam (VMAP) đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu tại đảo Quan Lạn (Quảng Ninh). Di tích Đồng Chổi được khai quật lần 2, nhằm làm rõ hơn lịch sử khu vực này khi Vân Đồn trở thành thương cảng quốc tế. Kết quả cho thấy, di tích này là khu mộ địa của cư dân thời kỳ Đá mới. Di tích Đồng Chỉ đã phát lộ nhiều tiềm năng và trữ lượng lớn về mực nước biển cổ, môi trường sinh thái, mối giao lưu văn hóa đời sống cư dân nơi đây.

Năm 2019, Viện Khảo cổ học cùng các chuyên gia quốc tế, khảo sát vụng biển Bình Châu lần 2 với các thiết bị khảo sát viễn thám, máy chụp cắt lớp đáy nhằm nghiên cứu đặc điểm địa hình đáy biển. 40 điểm nghi vấn được phát hiện.

Kết quả các cuộc khai quật trong năm vừa qua thu hút được sự quan tâm của giới khoa học lịch sử

Trước đó vào cuối năm 2018, cũng đã tiến hành khảo sát cổ học dưới nước tại vụng biển Bình Châu bằng các phương pháp viễn thám và khảo sát lặn, sự dụng bình khí nén.

Theo Tiến sĩ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, do di tích phần lớn vùi dưới lớp cát đáy biển nên đợt khảo sát lần này chưa phát hiện được nhiều di tích ngoài dấu vết của một con thuyền gỗ ở độ sâu 9,2m. Vẫn chưa rõ đặc điểm, tính chất cụ thể của con thuyền.

Trong đợt này, đoàn tiếp tục khảo sát tại một số khu vực Gành Cả, Gành Tre, Gành Lá Ngái… thu được chủ yếu là đồ gốm men Trung Quốc, thế kỷ XII đến XIX-XX.

Bộ cánh cửa ở chùa Cổ Chất- Nam Định

Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, ý nghĩa to lớn của các công trình nghiên cứu khảo cổ học các thời kỳ là phục dựng lại diện mạo một giai đoạn lịch sử quan trọng của quá trình hình thành các nền văn minh sớm của mỗi quốc gia, dân tộc, khơi dậy ý thức, niềm tự hào về giá trị truyền thống văn hóa, góp phần vào công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong công cuộc hiện nay.

Những công trình khảo cổ học thời lịch sử cũng đã có nhiều đóng góp các chứng lý vật chất về sức sống của văn hóa Việt và người Việt trong đêm trường nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc.

Hiện vật gỗ với sơn son thếp vàng được tìm thấy trong đợt khai quật Hoàng Thành Thăng Long cuối 2018 đầu 2019

Cũng theo Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, khảo cổ học lịch sử đã có thêm khối tư liệu đồ sộ từ khai quật, nghiên cứu khảo cổ học minh chứng cho tầm vóc văn hóa/văn minh/văn hiến Đại Việt trải qua các triều đại quân chủ độc lập với nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngoài những công trình nghiên cứu về văn hóa Đại Việt, còn có thêm những đóng góp quan trọng nghiên cứu văn hóa Champa ở Trung Bộ, văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Đó là mảnh ghép quan trọng hình thành Bản sắc văn hóa Việt Nam.