Quảng Ngãi:

Thêm nhiều nạn nhân bị lừa bán làm "lao động khổ sai"

ANTĐ - Như ANTĐ đã có bài phản ánh "Giải cứu 7 thanh niên bị lừa bán làm "lao động khổ sai", hiện có thêm một số lao động tại Quảng Ngãi bị lừa đi làm "khổ sai", quần quật cả ngày nhưng không đủ tiền trả nợ mà về.

Trong căn nhà xập xệ ở cuối thôn Đèo Gió, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, bà Đinh Thị The và người con dâu ăn ngủ không yên khi người con trai, chồng Đinh Văn Mang biệt tăm biệt tích. Bà The kể lại, cách đây hơn ba tháng, anh Mang hớn hở cho biết có việc làm ổn định ở Tây Nguyên với mức lương trên 3,5 triệu đồng/tháng. Bà và con dâu nhủ thầm, con trai cố gắng làm đến cuối năm về có tiền trang trải cho việc sinh con.

Tuy nhiên từ khi đi đến nay không có tin tức anh Mang gọi điện về. Trong nước mắt, bà Đinh Thị The đầy lo lắng: “Đã gần 3 tháng qua, từ khi con trai tôi theo bạn lên Tây Nguyên làm thuê. Nhưng đến nay vẫn biệt tăm không liên lạc gia đình. Trong khi đó, nhiều đứa bạn của nó, được gia đình bỏ tiền chuộc về. Hiện nay nhiều người thương tình cho tôi vay tiền để lên Tây Nguyên tìm con chuộc. Nhưng bây giờ biết nó ở đâu mà chuộc đây”.

Thêm nhiều nạn nhân bị lừa bán làm "lao động khổ sai" ảnh 1
Hình ảnh căn phòng bị nhốt lao động mà một nạn nhân ghi lại được

Tương tự, bà Đinh Thị Lan, 40 tuổi cùng 6 đứa con nhỏ nheo nhóc, hàng ngày ngóng trông tin người con cả Đinh Huy, 18 tuổi. Có 7 người con, Đinh Huy phải gánh vác nuôi 6 em còn lại. Cách đây gần 3 tháng, em Huy cùng nhiều thanh niên trong thôn bị lừa lên Tây Nguyên lao động, lương cao.

Không chỉ riêng gì ở huyện Sơn Hà, còn nhiều huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi có người bị lừa lao động Tây Nguyên. Đến bây giờ anh Trương Ngọc Sâm, 52 tuổi, ở xã Phổ Nhơn, huyện Đức Phổ vẫn còn rùng mình, bức xúc những ngày bị lừa lao động khổ sai ở tỉnh Lâm Đồng. Khoảng tháng 10-2010, anh Sâm cùng 3 thanh niên khác ở thị trấn Đức Phổ được một “cò” cho giới thiệu công việc làm vườn tại tỉnh Lâm Đồng với mức lương cao.

Thêm nhiều nạn nhân bị lừa bán làm "lao động khổ sai" ảnh 2
Hai nạn nhân bị lừa đã được gia đình chuộc về

Chiều 18-4-2010, xuất hiện chiếc ôtô ghé huyện Đức Phổ đón các anh. Trên xe còn nhiều thanh niên ở tỉnh khác đưa lên tỉnh Lâm Đồng làm việc. Tại ngã ba thị trấn Định Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, ngôi nhà có bảng hiệu “Dịch vụ cung ứng lao động làm vườn”, cả ba anh bị nhốt vào phòng, cửa bị khóa và có bảo vệ không ngừng theo dõi.

Ngoài nhóm người mới đến, dãy nhà có nhiều người bị nhốt trước nhiều ngày. Đầy căm phẫn anh Sâm kể lại: “Vì nghe “cò” nói sẽ bao mọi chi phí nên tui đâu có mang tiền theo. Bọn chúng không cho ăn, bảo mọi người tự túc mua thức ăn. Gần hai ngày trời tôi phải nhịn đói. Vừa đói vừa tức tím cả ruột gan!”. Anh Sâm và nhiều người khác muốn về, nhưng không đào đâu ra 800.000đ gọi là chi phí xe cộ, ăn uống đưa cho bọn chúng. Ngoài ra chưa tính mỗi ngày 100.000đ tiền “phòng”.

Theo anh Sâm, tại khu nhà trọ anh gặp rất nhiều người ở Quảng Ngãi cùng chung số phận. Tội nghiệp nhất là hàng chục người già, phụ nữ, trẻ nhỏ ở tỉnh Thanh Hóa lũ lượt kéo nhau vào đây. Các ông chủ “cung ứng lao động” này tuyên bố, muốn ra khỏi đây mỗi người phải trả lại 1,4 triệu đồng. Trước tình cảnh đó, mọi người đành phó mặc số phận.

Anh Sâm được bán và theo một chủ rẫy về tỉnh Đăk Nông. Tại đây, mỗi ngày anh phải ra rẫy làm việc 10 tiếng đồng hồ, lương mỗi tháng 1 triệu đồng. “Thế là tôi phải cắn răng cố hết sức làm việc để trừ nợ để chuộc lấy chuộc lấy CMND và kiếm ít đồng tranh thủ về quê. Tuy nhiên vẫn không trừ được nợ”. Thời điểm này phóng viên viết bài này đã liên lạc và gửi thêm số tiền 400 nghìn đồng vào tài khoản ông chủ rẫy để chuộc anh Sâm. Tuy nhiên chủ rẫy nhận tiền nhưng vẫn không cho anh Sâm về. Đến khi gia đình trực tiếp lên gặp chủ rẫy, anh Sâm mới được thả về.

Thêm nhiều nạn nhân bị lừa bán làm "lao động khổ sai" ảnh 3
Bà Đinh Thị Lan cùng 6 đứa em nheo nhóc ngóng trông tin con cả Đinh Huy bị lừa đi lao động

Anh Đinh Bài, 31 tuổi, ở xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, một trong nhiều nạn nhân được gia đình lên tận nơi chuộc về đã cung cấp cho cho chúng tôi đoạn clip, anh lén quay lại cảnh anh và nhiều người khác bị nhốt và đoạn âm thanh ông chủ “dịch vụ cung ứng lao động” nạt nộ hăm doạ và đánh một thanh niên vì tội không chịu đi làm với mức lương thấp.

Được biết, vài năm trở lại đây tại hai huyện Lâm Hà và Đức Trọng, thuộc tỉnh Lâm Đồng xuất hiện một số cơ sở môi giới việc làm. Các cơ sở này đã lập nhiều đường dây, chân rết khắp miền Trung – Tây Nguyên lừa gạt người dân lên Lâm Đồng làm việc. Không như cam kết ban đầu, người lao động bị nhốt. Lương trả bèo bọt. Ai không chịu đi làm, ký hợp đồng thì bị một số đối tượng hành hạ đánh đập. Muốn tại ngoại, mỗi nạn nhân phải bỏ ra trên 3 triệu đồng như hình thức "tự chuộc mình".

Vì lợi nhuận thu được trong việc lừa lao động, nên một số đối tượng vẫn lén lút lừa phỉnh người lao động khó khăn. Đề nghị người dân cần cảnh giác với phương thức lừa đảo lao động trên.