Thêm gánh nặng thủ tục trong lĩnh vực thương mại điện tử?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù ban soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT) cho rằng, một trong những mục tiêu của Nghị định sửa đổi là phải cắt giảm bớt thủ tục hành chính song theo các chuyên gia, dự thảo Nghị định mới lại đặt thêm nhiều gánh nặng về thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp.
Thương mại điện tử phát triển rất nhanh, cần chính sách quản lý phù hợp

Thương mại điện tử phát triển rất nhanh, cần chính sách quản lý phù hợp

Sáng nay (14/1), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo "Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử".

Bán hàng giả, hàng nhái, chủ sàn TMĐT chịu trách nhiệm “liên đới”?

Bà Lại Thị Việt Anh- Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS ( Bộ Công Thương) cho biết, TMĐT Việt Nam hiện đứng ở top 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Thái Lan và Indonesia và ngang bằng Singapore. Tuy vậy, TMĐT cũng đang tồn tại nhiều vấn đề như: hàng gian, hàng giả, vi phạm thương quyền...

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng phàn nàn về chính sách không được đồng kiểm, trong khi chất lượng hàng hóa không đúng như quảng cáo hay TMĐT có yếu tố nước ngoài còn phức tạp.

“Do đó, dự thảo Nghị định mới sẽ đề cập, giải quyết các bất cập này và tập trung vào 4 nhóm chính sách lớn là: đơn giản hóa thủ tục hành chính, đăng ký kinh doanh; Tăng cường tính minh bạch của giao dịch TMĐT; Tăng cường trách nhiệm của chủ website TMĐT, quản lý TMĐT trên mạng xã hội; TMĐT có yếu tố nước ngoài”- bà Lại Thị Việt Anh nói.

Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng- Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đánh giá, nhìn chung dự thảo rất tốt. Tuy nhiên, thực tế công nghệ thay đổi quá nhanh nên khó có thể tin tưởng, dự thảo sẽ đi vào cuộc sống một cách trơn tru.

“Lâu nay, quyền lợi người tiêu dùng trên TMĐT bị xâm hại khá nhiều, dường như TMĐT càng phát triển thì lòng tin của người tiêu dùng với TMĐT càng giảm. Nghị đã cố gắng để cân bằng hai yêu tố này.

Tuy nhiên, mong muốn bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ hơn sẽ làm khó doanh nghiệp. Chẳng hạn như quy định trách nhiệm của sàn TMĐT khi có hàng giả, hàng nhái khá nặng, tạo thêm chi phí tuân thủ. Tương tự, quy định về TMĐT có sự đầu tư của nước ngoài cũng chưa hợp lý…”- Chủ tịch VECOM nói.

Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà- Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho rằng, đây là quy định bất hợp lý. “Trách nhiệm của sàn TMĐT và chủ hàng cần phải được xem xét một cách độc lập”- ông Nguyễn Thanh Hà đề nghị.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Đồng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển và Truyền thông lấy dẫn chứng, hàng giả, hàng nhái trên chợ truyền thống vẫn phổ biến, nhưng không thể quy trách nhiệm cho người xây và quản lý chợ rồi cho thuê. Mặt khác, các quy định về xử lý hàng giả, hàng nhái đã có nhiều, đặc biệt là tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP vừa mới có hiệu lực, nên dự thảo Nghị định sửa đổi không cần đề cập đến, để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Không nên bắt buộc tra cứu thông tin người dùng

Tại điểm a, Khoản 11, điều 36 dự thảo quy định, sàn TMĐT có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan quản lý Nhà nước công cụ tra cứu các thông tin liên quan tới người bán để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại tố cáo. Theo ông Nguyễn Thanh Hà, quy định này khiến doanh nghiệp lo ngại vi phạm quy định bảo vệ thông tin cá nhân của Luật An toàn thông tin.

“Ngoài ra, các công cụ tra cứu này cũng tiềm ẩn rủi ro về khả năng lộ, lọt thông tin của doanh nghiệp, dữ liệu cá nhân của người dùng. Chưa kể, để thực hiện quy định này, doanh nghiệp phải bố trí nguồn nhân lực, vật lực để xây dựng và duy trì, gây tốn kém”- Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.

Bình luận về nội dung này, ông Nguyễn Quang Đồng- Viện trưởng Viện chính sách phát triển và truyền thông cho rằng, quy định này vi phạm quy định an ninh mạng. “ dự thảo Nghị định yêu cầu chủ sàn SMTĐ tạo mục cung cấp thông tin, vậy cung cấp ở mức độ nào? Quy định này quá rộng, mơ hồ và nên cân nhắc vì ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam”- vị chuyên gia này kiến nghị.

Phân biệt nhà đầu tư nước ngoài vào TMĐT

Liên quan đến quy định về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực TMĐT, khoản 5, Điều 67c quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Ông Nguyễn Thanh Hà cho rằng quy định này là chồng chéo vì khi làm thủ tục đầu tư, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã phải xin ý kiến chấp thuận từ Bộ KH-ĐT (có tham vấn ý kiến của Bộ Công Thương).

Khoản 2c Điều 67c của dự thảo còn giới hạn việc tiếp cận thị trường khi quy định “các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực TMĐT do Bộ Công Thương công bố định kỳ”. Luật sư Nguyễn Thanh Hà đánh giá “công ty công nghệ uy tín toàn cầu” là tiêu chí mang tính chủ quan, tiêu chí không rõ ràng và mang tính phân biệt đối xử.

Điều này khiến cho nhà đầu tư có uy tín ở cấp độ khu vực hoặc trong lĩnh vực không phải công nghệ bị hạn chế tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như loại bỏ các quỹ đầu tư ra khỏi hoạt động này.

Là chủ một sàn TMĐT của Việt Nam và đang phải cạnh tranh gay gắt với các sàn của nước ngoài như: Shopee, Lazada, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng- Chủ tịch Sendo cho rằng, với quy định nhà đầu tư nước ngoài phải là công ty công nghệ uy tín hàng đầu, nhìn vào tưởng sẽ có lợi cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, “lĩnh vực TMĐT cần rất nhiều vốn đầu tư. Trong khi Shopee, Lazada chủ yếu được công ty mẹ rót vốn, thì công ty trong nước cần gọi vốn. Vốn có thể đến từ công ty công nghệ hoặc quỹ đầu tư nên quy định này là tạo rào cản, chúng tôi sẽ bị hạn chế danh sách nhà đầu tư nên tôi kiến nghị bỏ quy định này”- đại diện Sendo kiến nghị.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Nghị định mới có xu hướng siết chặt quản lý hoat động TMĐT hơn là khuyến khích phát triển. Do đó, nên có chính sách khuyến khích TMĐT phát triển và những gì thị trường có thể tự điều tiết thì cơ quan quản lý không nên quy định. Chẳng hạn như quy định về trách nhiệm với hàng giả, hàng nhái, tự người tiêu dùng sẽ đánh giá bằng sao, nhiều hay ít với các sàn và các sàn sẽ “tự sinh tự diệt”.