Thèm được nghe tiếng gọi... mẹ

ANTĐ - Cũng khá lâu rồi tôi mới qua thăm chùa Bồ Đề dù nơi đây cách nhà tôi ở chỉ một cây cầu bắc qua một con sông. Nơi đây có lũ trẻ non nớt, côi cút, có những thân phận thiệt thòi bị bỏ rơi nương tựa nơi cửa Phật, mà trong đó câu chuyện về một mảnh đời thoáng nghe qua đã nhói lòng về ước mong được làm mẹ của một người phụ nữ…

“Tùng… Anh… đã… đi… rồi!”

Chị Kim Thanh Hồng sinh năm 1979, quê ở Hà Nam. Chị là một người phụ nữ khuyết tật bị gia đình bỏ rơi khi còn đỏ hỏn đã phải vật lộn với bệnh tật để sống. Chị đến chùa Bồ Đề nương nhờ cửa Phật. Không khó để nhận ra chị Hồng, từ xa đã thấy một người phụ nữ chân trái co quắp, rất khó khăn để chị có thể lấy được thăng bằng trên mặt đất. Đón chúng tôi bằng một nụ cười rất tươi rồi chị nhanh chóng quay trở lại chơi với đám trẻ. Miệng chị Hồng lắp bắp, ngọng ngịu khó phát ra tiếng như muốn nói với chúng tôi một điều gì đấy mà không thể. Chị Lại Thị Hồng Sen (SN 1970, quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa) - một người chăm trẻ trong chùa - đã nhanh chóng “thông dịch” giúp chúng tôi: “Hồng muốn chào các anh đó!”. Từ lúc này, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với chị Hồng đã phải bắc qua một “cây cầu” là chị Sen. 

Chị Sen nhớ lại: “Hồng vào chùa cùng thời gian với tôi. Ngày đó Hồng gầy gò, yếu ớt lắm, vào chùa nhưng không biết làm gì cả, phải thuốc thang mãi giờ mới đỡ hơn. Hồng bị liệt tay trái và chân trái nên đi đứng loạng choạng, trước ngày nào cũng bị ngã túi bụi không đứng được dậy. Miệng Hồng bị cứng cơ nên nói rất kém. Khả năng nghe cũng không rõ, phải tập trung chú ý lắm mới bập bõm nghe được. Ấy vậy nhưng Hồng luôn nỗ lực vượt qua! Thực tế là Hồng đã chăm một bé tên là Tùng Anh, 8 tuổi đấy”... 

Không gian trong căn phòng chừng 16m2 bỗng trùng xuống khi chúng tôi hỏi bé Tùng Anh được chị Hồng chăm sóc đâu. Hai tiếng “Tùng Anh” làm đôi mắt chị Hồng lóe lên, chị nhìn thẳng vào tôi rồi từ từ cúi xuống. Chị Hồng khóc trong giọng nói lắp bắp, ngọng ngịu: “Tùng… Anh… đã… đi… rồi!”. Chị Sen cho chúng tôi biết, trước kia Hồng chăm duy nhất một cháu tên là Tùng Anh, cháu bị HIV nên đã được đưa đi rồi. Hồng buồn và khóc nhiều lắm!... 

Ngồi lặng thinh trên chiếc giường của mình, 3 đứa trẻ, đứa con trai lớn nhất sà vào lòng chị rung rung, đứa vịn vai nhún nhẩy, bé gái nhỏ nhất ngồi im trong lòng chị. Chị ngắm chúng trìu mến và nụ cười bắt đầu xuất hiện trở lại. Thỉnh thoảng chúng cũng nũng nịu, bé Gái ít tuổi nhất hay khóc ngặt nghẽo khi thiếu hơi ấm của mẹ mỗi khi chiều về, khi ấy chị Hồng lại bế con vào lòng, gãi lưng, xoa tay bóp chân cho bé, đôi lúc bé Gái lại quay ra phía tôi nhoẻn một nụ cười ngây ngô. Dường như được ở gần con, được tự mình chăm sóc cho con đó là điều hạnh phúc nhất đối với người phụ nữ ấy. Chị Sen chia sẻ: “Trước đây nhiều người hoài nghi bởi Hồng đến ngay cơ thể mình cũng không thể mang nổi thì làm sao có thể chăm sóc những đứa trẻ khuyết tật. Nhưng bản năng của một người phụ nữ trong Hồng vẫn còn nguyên, nhìn cái cách Hồng dùng cánh tay phải lành lặn của mình ôm ấp, bế ru, chăm sóc cho những đứa trẻ thì rất nhiều người đã phải nghĩ lại. Lúc này Hồng nhận làm “mẹ” của 3 đứa trẻ và chăm sóc chúng đấy!”. 

Bản năng làm mẹ  

      

3 đứa con của chị Hồng bây giờ bé trai lớn nhất là cháu Tùng Anh (8 tuổi), bé gái thứ 2 là cháu Diệp Anh (4 tuổi), bé gái út tên là Gái (3 tuổi). Chị Sen cho biết: “2 đứa con lớn của Hồng là cháu Tùng Anh và Diệp Anh đều bị bại não, co giật, bé Gái bị não bé. Chúng quấn mẹ Hồng lắm, như bé Tùng Anh, khi Hồng đi giặt nó tìm mọi cách để lẻn ra chỗ mẹ; cả 3 đứa khi nào mẹ Hồng ngủ chúng mới chịu đi ngủ. Chẳng bao giờ 3 đứa chúng nó chịu rời khỏi giường mẹ Hồng. Chuyện là, Tùng Anh bị bỏ rơi ngoài cổng chùa, khi ấy cháu nó khóc ngằn ngặt vì đói. Mấy cô trông trẻ trong chùa dỗ dành, cưng nựng mãi cháu vẫn cứ khóc, mỗi lúc khóc càng to hơn. Nhưng khi Hồng đến vuốt má ôm cháu vào lòng thì nó mới chịu nín. Từ ngày bé Tùng Anh vào trong chùa cháu không chịu theo ai mà chỉ đòi Hồng bế, và ngày nào Hồng cũng quấn quýt bên bé, dỗ dành, chăm sóc và ngủ cùng bé. Cũng từ đấy, sư thầy Thích Đàm Lan đã quyết định để Hồng làm mẹ nuôi của bé Tùng Anh”… 

Chị Hồng tập trung lắng nghe cuộc trò chuyện giữa chúng tôi và chị Sen chỉ bằng nụ cười và những cái gật đầu đồng tình. Thật tiếc chị không nói được, gắng gượng lắm chỉ vài ba từ phát ra nhọc nhằn. Bé Tùng Anh nằm trong lòng chị Hồng cũng vậy, bé có đôi mắt sáng ngời, khuôn mặt dễ thương nhưng bé không nói được, chân phải bé bị liệt và thỉnh thoảng chỉ ú ớ được vài tiếng vô nghĩa. Ngôn ngữ của mẹ Hồng với những đứa con của mình chỉ thể hiện được bằng ánh mắt, nụ cười và cử chỉ. “Hồng đã dành tất cả tình yêu và sức lực cho những đứa con của mình. Thấy Hồng vất vả quá, tôi bảo chia bớt cho chị một bé nhưng Hồng nhất mực không đồng ý và bảo tự mình chăm được. 3 đứa trẻ, chẳng đứa nào biết nói, biết đòi, cứ lúc nào buồn tiểu tiện, đại tiện là các bé lại đi thẳng ra quần, những lúc ấy Hồng lại cần mẫn thay giặt, tắm rửa cho các con, giặt giũ quần áo, chăn chiếu cho chúng để các con được sống, vui chơi trên chiếc giường sạch sẽ, thơm tho nhất. Hồng đảm lắm, những lúc tôi bận Hồng còn sang chăm sóc giúp những đứa trẻ của tôi. Khổ nhất là những lúc thay đổi thời tiết, cả người Hồng lên cơn đau nhức, các con quấy khóc, Hồng lại gắng gượng vượt qua sự đau đớn của thể xác để chăm con, ru con và chơi đùa với chúng để tất cả cất lên tiếng cười hồn nhiên”, chị Sen tâm sự. 

Chị không nói được nhưng nhìn ánh mắt chị Hồng khi ngắm những đứa con của mình mới thấu hiểu tình yêu chị dành cho chúng lớn đến nhường nào. Nhiều vết thương trên thân thể, những cú trượt chân ngã sõng soài hằn lại trên cơ thể nhưng tình yêu của người mẹ đã chiến thắng tất cả, người phụ nữ tật nguyền ấy đã nuôi nấng, chăm bẵm giấc ngủ của từng đứa con mình không thua kém bất kỳ một người phụ nữ khỏe mạnh nào!...

Muốn nghe một tiếng gọi mẹ

Ngày trở lại thăm chùa Bồ Đề mà lòng tôi trĩu nặng, những suy nghĩ cứ lảng vảng trong đầu. 3 đứa con chị Hồng bệnh tật, côi cút nương nhờ của Phật, chúng may mắn hơn khi có được tình yêu thương của một người mẹ tuy không phải dứt ruột đẻ ra nhưng chăm sóc chúng bằng một tình yêu nhẫn nại, lặng câm. Nhưng bước ra khỏi căn phòng 16m2 này, tôi đã ước những người cha, người mẹ của các em có thể nhìn thấy những đôi mắt và nụ cười đáng yêu ấy, họ đã chối bỏ món quà quý giá nhất của cuộc sống dành tặng cho mình. Những câu nói được chị Hồng khó khăn nhả ra từng từ “Tôi… yêu… các con… tôi lắm. Tôi… không… rời xa… chúng được. Tôi… không muốn… chúng… mồ côi như… tôi đâu, tôi sẽ… chăm sóc… các con… cả đời” cứ ám ảnh tôi mãi không thôi.   

Tôi hỏi chị Hồng rằng trong cuộc đời này chị mong ước điều gì nhất, người phụ nữ ấy đã trả lời: “Tôi… muốn… con tôi… nói được và… gọi tôi… một tiếng… mẹ!”. Một lần nữa những vệt nước mắt lại loang dài trên khuôn mặt người phụ nữ ấy, dường như chị quên mất bé Tùng Anh đang nằm trong lòng mình, bé dơ tay lên má chị gạt những dòng nước mắt. Như không muốn con buồn, chị hướng đôi mắt chan chứa yêu thương vào cả 3 đứa trẻ - 3 đứa con của chị và nở nụ cười!...