Thêm cơ hội cho học sinh

ANTĐ - Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ.

- Những ý kiến dư luận được Bộ GD-ĐT tích hợp thế nào khi xây dựng kỳ thi THPT quốc gia?

- Khi xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đã tham khảo ý kiến của các sở GD-ĐT, trường ĐH, chuyên gia, học sinh... Kết quả cho thấy, có 79% ý kiến đồng ý coi thi theo cụm, 77% đồng ý chấm thi theo cụm, hơn 85% đồng ý theo phương án một kỳ thi quốc gia (phương án 1). Đối với học sinh, 87% trên tổng số 1 triệu học sinh góp ý đồng ý phương án 1.

- Bộ GD-ĐT có hướng dẫn để học sinh kịp thích ứng với đổi mới kỳ thi quan trọng này?

- Để thực hiện mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh, Bộ sẽ ra đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, nhưng có tăng cường các câu hỏi vận dụng, câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, trước mắt, chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông. Các em thí sinh yên tâm học tập, không có gì phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho các em thêm cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.

- Nói như vậy, học sinh sẽ được thêm nhiều lợi ích? 

- Đầu tiên, các em sẽ chỉ phải thi một kỳ thi. Thi xong, có kết quả mới đăng ký xét tuyển nên sẽ tránh được rủi ro. Đối với những học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT, năm tới, các em chỉ thi những môn mình đăng ký, còn những môn khác, các em có quyền không thi. Tóm lại, nội dung thi và cách sử dụng kết quả thi đều có lợi cho thí sinh.