Công an Hà Nội: Bóc gỡ, triệt tiêu từng “mầm, nhánh” của tội phạm “tín dụng đen” (3)

Thế trận liên kết vững chắc phòng, chống "tín dụng đen"

ANTD.VN - Ngày 25-4-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg, về Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Có thể nói, đây là kết quả công tác tham mưu, đề xuất xác đáng của Bộ Công an với Thủ tướng Chính phủ, bắt nguồn từ thực tiễn công tác đấu tranh, cũng như những nỗ lực, giải pháp của các đơn vị, địa phương, trong đó có Công an Hà Nội, với “điểm nhấn” là Kế hoạch 231.

Thế trận liên kết vững chắc phòng, chống "tín dụng đen" ảnh 1CATP Hà Nội tăng cường kiểm tra hoạt động của các hiệu cầm đồ trên địa bàn.  Ảnh: Lam Thanh

Xác định rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong Chỉ thị số 12, đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, mục tiêu quan trọng là phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng, bảo vệ quyền, lợi ích và tài sản của người dân trong các hoạt động tín dụng, vay mượn chính đáng, hợp pháp.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch điều tra cơ bản trên toàn quốc về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia “hụi”, “họ”, “biêu”, “phường” có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để nắm tình hình, chủ động phát hiện, điều tra, xử lý các vi phạm, gắn với triển khai có hiệu quả Đề án 2 về “Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia” thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030. 

Bên cạnh đó, lực lượng Công an sẽ mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên không gian mạng để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia “hụi”, “họ”, “biêu”, “phường”, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.

Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý trước pháp luật, nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa chung. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, là chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập liên quan đến hoạt động vay mượn trong giao dịch dân sự, các quy định về cấp phép, quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh, các quy định về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ có trách nhiệm chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tham gia Tổ công tác liên ngành theo đề nghị của Công an cấp tỉnh để kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh cầm đồ, đòi nợ và cơ sở kinh doanh có nghi vấn hoạt động “tín dụng đen”; xử lý những biển hiệu, biển quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen” vi phạm quy định về quảng cáo và Điều 5 Luật Các tổ chức tín dụng; xây dựng kế hoạch, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong việc kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý các cá nhân, cơ sở, tổ chức hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn...

Chỉ thị số 12 nêu rõ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc; định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao về Bộ Công an để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

“Tín dụng đen” bị đánh mạnh giúp kéo giảm phạm pháp hình sự

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Kế hoạch 231, triển khai Chuyên đề 231 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn thành phố, do CATP Hà Nội tổ chức ngày 11-12 vừa qua, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an ghi nhận, đánh giá Công an Hà Nội đã chủ động trong đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; bằng việc ban hành, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch 231. 

Thượng tướng Lê Quý Vương biểu dương CATP Hà Nội đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm nói chung và tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”nói riêng.

“Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự nói chung, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng của Công an các địa phương đã góp phần quan trọng kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự trong năm 2019, giữ vững trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn và phạm vi cả nước, tạo môi trường, cuộc sống bình yên cho nhân dân, phục vụ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh. 

Ở góc độ đơn vị trực tiếp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) khẳng định Kế hoạch 231 của Công an Hà Nội đã đánh trúng, làm giảm hoạt động của nhiều loại tội phạm nguy hiểm.

Theo đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, hoạt động của tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” luôn tiềm ẩn phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Trước thực tế phức tạp này, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước xây dựng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; và Kế hoạch 231 của Công an Hà Nội ra đời cách đây 3 năm, đã và đang phát huy tác dụng tích cực để kiềm chế hoạt động vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện, Công an Hà Nội đã tham mưu và chủ động phối hợp với các đơn vị cơ sở làm tốt công tác vận động các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cùng chung tay phát hiện, tấn công mạnh mẽ các ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: các tổ dân phố, cụm dân cư cùng với Cảnh sát khu vực bóc xóa những tờ quảng cáo cho vay tiền dán trên tường, cột điện, nơi công cộng, vừa có tác dụng chặt “vòi bạch tuộc”, vừa làm đường phố văn minh, sạch đẹp hơn. Không chỉ vậy, Công an các cấp cơ sở trên địa bàn thành phố đã tích cực tuyên truyền cho các gia đình hiểu rõ tác hại, sự nguy hiểm luôn rình rập của “tín dụng đen”, giúp người dân tránh xa hoạt động tội phạm này…

Công an Hà Nội cùng 10 tỉnh, thành phố chung tay đấu tranh “tín dụng đen”

Có tổng cộng 17 Điều, Bản Quy chế phối hợp trong trao đổi thông tin, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm có tổ chức nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng, đã được Công an Hà Nội thống nhất cao, ký giao ước thực hiện với Công an 10 tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Giang, Nam Định.

Quy chế đã thống nhất những nội dung phối hợp trong công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai; phối hợp trao đổi thông tin trong quá trình thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng CSND; phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; phối hợp trong công tác điều tra vụ án, truy bắt đối tượng theo dấu vết nóng và bắt, vận động đối tượng truy nã; phối hợp quản lý đối tượng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự; phối hợp giải quyết những tụ điểm phức tạp về tội phạm trong đó có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và tổ chức các đợt cao điểm đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động này; phối hợp quản lý đối tượng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động lưu động; và phối hợp trong công tác xây dựng lực lượng, hậu cần.