World Cup 2018: Chính xác nhờ VAR, rắc rối cũng từ VAR

ANTD.VN - Bên cạnh việc gây nên tranh cãi, có ý kiến cho rằng trọng tài vừa là người được thụ hưởng song cũng có thể là nạn nhân của công nghệ VAR tại World Cup 2018.

World Cup 2018 có sự thay đổi lớn về công tác trọng tài, khi bên cạnh những "vua sân cỏ" bằng xương bằng thịt làm việc trên sân, FIFA còn áp dụng công nghệ VAR (video hỗ trợ trọng tài) để chính xác hóa các tình huống nhạy cảm trên sân.

Qua một nửa hành trình vòng bảng, VAR đã mang đến nhiều cảm xúc và cả những tranh cãi cho World Cup 2018.

Việc áp dụng công nghệ VAR tạo ra tranh cãi ở World Cup 218

Chính xác nhờ VAR, rắc rối cũng từ VAR

Theo thống kê, trong 16 trận đấu của lượt trận đầu tiên World Cup 2018, trọng tài đã 9 lần thổi phạt đền, trong số này có 4 lần nhờ công nghệ VAR hỗ trợ (các trận Pháp 2-1 Australia, Croatia 2-0 Nigeria, Peru 0-1 Đan Mạch, Thụy Điển 1-0 Hàn Quốc).

Cũng nhờ có VAR, trọng tài đã đưa ra quyết định tước một số bàn thắng không hợp lệ. Mới nhất là tình huống trọng tài chính Andres Cunha quyết định không công nhận bàn thắng với lưới Tây Ban Nha của cầu thủ Ezatolahi ở trận đấu rạng sáng 21-6, vì cho rằng cầu thủ của Iran đã việt vị.

Công nghệ VAR đã và đang hỗ trợ đắc lực trọng tài trong các quyết định thổi penalty, hay xác định việt vị với độ chính xác cao trong các tình huống khó, nhạy cảm diễn ra trong chớp nhoáng, qua đó góp phần đảm bảo tính công bằng cho trận đấu.

VAR giúp trọng tài có những quyết định chính xác trong những tình huống nhạy cảm, quyết định tới tỷ số, kết quả trận đấu

Thế nhưng bên cạnh mặt tích cực, VAR cũng đã tạo nên nhiều tranh cãi ngay khi nó được triển khai áp dụng.

Truyền thông Anh cho biết FIFA đã mở cuộc điều tra về những sai lầm của công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) sau trận Anh - Tunisia, trong đó Harry Kane đã có tới 2 lần bị các hậu vệ đối phương kéo ngã trong vòng cấm nhưng trọng tài Wilmar Roldan đều ngoảnh mặt làm ngơ và không cho họ được hưởng quả 11m.

Trước đó, Liên đoàn bóng đá Brazil đã gửi đơn khiếu nại lên FIFA yêu cầu cơ quan này cho xem lại video cùng đoạn ghi âm trao đổi giữa trọng tài chính và trợ lý video ở 2 tình huống Jesus bị phạm lỗi và pha đẩy sau với Miranda để làm sáng tỏ tranh cãi trận Brazil bị Thụy Sỹ cầm hòa.

Hay mới nhất, trận Bồ Đào Nha - Ma Rốc, tiền đạo Ronaldo tỏ ra bức xúc vì bị ngã trong vòng cấm nhưng trọng tài không thổi penalty, cũng không xem lại VAR.

VAR làm hỏng trận đấu, hại trọng tài?

Theo thống kê, World Cup 2018 đã chứng kiến 10 quả penalty trong 17 trận trong khi cả mùa World Cup 2014 chỉ có tổng cộng 5 quả penalty và gần như chắc chắn sẽ phá vỡ kỷ lục 18 quả penalty ở một kỳ World Cup, khi giải năm nay mới đi qua 1/4 tổng số trận đấu.

Hiện tượng tăng vọt số quả penalty cũng như các bàn thắng từ sút phạt cố định có tác động lớn từ việc áp dụng công nghệ VAR khiến nhiều người lo ngại sẽ kéo giảm sức hấp dẫn của một trận đấu bóng đá, vốn đề cao yếu tố chuyển động. Cùng với đó, trận đấu bị cắt vụn khi trọng tài nhiều lần cho tạm dừng để tham khảo VAR, hoặc sau mỗi tình huống tranh cãi, cầu thủ lại lao tới yêu cầu trọng tài xem lại VAR.

Đáng nói hơn, VAR chính xác nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính.

VAR chính xác nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính, và tranh cãi từ đó phát sinh

Thống kê cho thấy tới thời điểm này của World Cup 2018, đã có không dưới 5 tình huống các cầu thủ, đội bóng phản ứng gay gắt với trọng tài vì cho rằng họ bị phạm lỗi, hay xứng đáng hưởng penalty song trọng tài không cho, cũng không tham khảo VAR.

Nói cách khác, dù có hay không có công nghệ VAR thì cầu thủ vẫn có "cớ" để tranh cãi, phản ứng với quyết định của trọng tài. Có điều, thay vì tranh cãi về tính chính xác trong quyết định xuất phát từ cảm quan của trọng tài, cầu thủ giờ chuyển sang phản ứng trọng tài khi không tham khảo VAR như đề nghị của họ.

Về mặt công nghệ thuần túy, rõ ràng trọng tài là đối tượng hưởng lợi nhờ sự hỗ trợ đắc lực từ VAR. Thế nhưng, trong nhiều tình huống nhạy cảm, trọng tài có thể trở thành nạn nhân nếu không tham khảo VAR, hoặc phối hợp giữa trọng tài trên sân và trọng tài VAR không ăn khớp, mà đơn khiếu nại mới đây của Liên đoàn bóng đá Brazil là hệ lụy nhãn tiền.

Thêm một vấn đề đặt ra là các trọng tài biên có thể sẽ chọn giải pháp an toàn là hạn chế đưa ra các quyết định, đặc biệt là không căng cờ báo việt vị để "đùn" trách nhiệm cho VAR và trọng tài chính ở những tình huống nhạy cảm.

Và như thế, giá trị và năng lực của trọng tài có bị giảm sút khi chịu sự chi phối, phụ thuộc ngày một lớn vào công nghệ?