Vụ Samson bị thất sủng: V-League đã thôi ngộ nhận số 1 Đông Nam Á!?

ANTD.VN - Là chân sút xuất sắc nhất lịch sử V-League, thế nhưng Hoàng Vũ Samson cũng chỉ trụ được 4 vòng đấu trước khi bị đương kim vô địch Thai-League, Buriram thanh lý hợp đồng.

Tháng 11-2017, CLB Buriram tuyên bố đã chiêu mộ thành công tiền đạo Hoàng Vũ Samson - chân sút xuất sắc nhất lịch sử V-League với 139 bàn thắng.

Người hâm mộ Việt Nam khi đó nhìn nhận tiền đạo 30 tuổi gốc Nigeria này như đại diện ưu tú của V-League, gánh vinh dự lẫn trách nhiệm khẳng định bản thân, khẳng định đẳng cấp V-League khi khoác áo nhà đương kim vô địch Thai-League.

Samson từng là niềm tự hào của V-League khi được đương kim vô địch Thai-League, Buriram chiêu mộ

Thế nhưng thực tế diễn ra sau đó khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Chân sút xuất sắc nhất V-League chỉ có 2 lần ra sân từ băng ghế dự bị và thi đấu tổng cộng 33 phút ở 4 vòng đấu qua của Thai-League 2018. Còn ở sân chơi AFC Champions League, Samson thậm chí còn không được Buriram điền vào danh sách đăng ký.

Dấu ấn chuyên môn duy nhất mà Samson tạo ra trong 33 phút ra sân ít ỏi đó lại là pha sút hỏng penalty, góp phần khiến đội nhà thua ngược Chiangrai United, dù trước đó dẫn trước 2-0.

Tiền đạo mang 2 quốc tịch Nigeria và Việt Nam không được đánh giá cao bằng 3 tiền đạo ngoại khác gồm Diogo, Edgar Silva (Brazil), Yoo Jun-su (Hàn Quốc) và bị CLB Buriram thanh lý hợp đồng để tìm ngoại binh khác có năng lực hơn.

Thế nhưng Samson chỉ có thể trụ lại vỏn vẹn 4 vòng đấu Thai-League, trước khi bị đánh văng và phải trở lại CLB Hà Nội tìm kiếm cơ hội được chơi bóng

Thất bại của Samson ở Thai-League không đơn thuần là vấn đề đẳng cấp một cầu thủ mà còn là khoảng cách đẳng cấp, chất lượng chuyên môn giữa hai giải đấu cao nhất của Việt Nam và của Thái Lan.

Trước thời điểm Samson ký hợp đồng với Buriram, làng bóng Việt từng xôn xao trước thông tin Văn Quyết (CLB Hà Nội) hay Công Phượng, Xuân Trường (HAGL) được mời chào sang Thai-League 2018 thi đấu.

Đại diện các cầu thủ này đưa ra nhiều lý do từ chối, song có một nguyên nhân khá tế nhị không được đề cập đó là khả năng bị "ngợp" bởi năng lực chuyên môn chưa đủ chiếm suất đá chính ở giải đấu khắc nghiệt như Thai-League.

Nếu ký hợp đồng nhưng lại thường xuyên dự bị, phong độ giảm sút và rủi ro lớn bị sa thải trước thời hạn (trường hợp của Samson minh chứng rõ điều này) thì ở lại thi đấu V-League là lựa chọn an toàn và khôn ngoan.

Từng có thông tin Công Phượng được mời sang Thai-League, nhưng không ai dám chắc anh đủ năng lực cạnh tranh suất đá chính hay không

Lâu nay, khoảng cách đẳng cấp giữa V-League và Thai-League thường được so sánh qua giá trị bản quyền truyền hình giải đấu hay hình ảnh tương phản giữa sân thi đấu như mặt ruộng ở V-League với sân đạt chuẩn Ngoại hạng Anh của chính CLB Buriram mà Samson đầu quân.

Thêm một tiêu chí so sánh khác là kể từ mùa 2018, Thai-League mở rộng cho phép mỗi CLB tham dự được đăng ký 5 ngoại binh (gồm 3 ngoại binh quốc tế, 1 cầu thủ châu Á, 1 cầu thủ Đông Nam Á). Việc Thai-League trao thêm cơ hội cho các ngoại binh nhằm tăng chất lượng chuyên môn của giải, đồng thời buộc các nội binh Thái Lan phải cạnh tranh khốc liệt suất đá chính.

Trong khi cùng thời điểm, V-League vẫn chỉ cho phép mỗi CLB đăng ký tối đa 2 ngoại binh và một cầu thủ nhập tịch. Thậm chí trước mùa giải khởi tranh còn xuất hiện đề xuất cắt giảm suất ngoại binh để nhường cho cầu thủ nội, bởi nếu cạnh tranh sòng phẳng, cầu thủ Việt không có "cửa" trước ngoại binh hơn hẳn về thể hình lẫn đẳng cấp.

Và nay, việc chân sút xuất sắc nhất V-League bị đánh văng khỏi Thai-League chỉ sau 4 vòng đấu tiếp tục là một bằng chứng cho thấy đẳng cấp chênh lệch giữa hai giải đấu cao nhất của Việt Nam và của Thái Lan, dù cả hai đều đang khoác lên mình tấm áo chuyên nghiệp, thậm chí V-League một thời còn tự nhận là giải đấu số 1 Đông Nam Á.