Ý kiến luật sư:

“VTV nên công khai xin lỗi Công Phượng trước khi quá muộn“

ANTĐ - Luật sư Phạm Hoài Nam cho rằng việc chương trình Chuyển động 24h của VTV đăng tải một loạt thông tin liên quan đến đời tư của Công Phượng là vi phạm quyền bí mật đời tư (Điều 38, Bộ luật Dân sự), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21, Hiến pháp sửa đổi 2013).

Sau khi chương trình Chuyển động 24h của VTV phát ngày 16-11, đăng tải các hồ sơ liên quan đến đời tư cầu thủ Nguyễn Công Phượng - học viên khóa I Học viện HAGL Arsenal JMG như học bạ, giấy khai sinh, bản kê nhân khẩu... đã vấp phải nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình.

“VTV nên công khai xin lỗi Công Phượng trước khi quá muộn“ ảnh 1

Công Phượng bị xâm phạm đời tư

Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Phạm Hoài Nam, hãng luật Bến Nghé – Sài Gòn trên tờ Đời sống và Pháp luật, nêu quan điểm: "VTV không phải là cơ quan có thẩm quyền điều tra và công bố thông tin của một cá nhân. Hơn nữa những thông tin này chưa thực sự rõ ràng, chưa được kiểm chứng hoặc xử lý bởi những cơ quan có thẩm quyền mà VTV vội vàng có những bình luận hướng tới việc quy kết Công Phượng gian lận tuổi và yêu cầu cầu thủ này lên tiếng là hành vi sai trái, vi phạm Điều 21 Hiến pháp quy định về “Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền bảo vệ danh dự và uy tín của mình”, và vi phạm Điều 38 Bộ luật Dân sự cũng quy định về “Quyền bí mật đời tư” của cá nhân là bất khả xâm phạm.

Chương trình này đã nhầm lẫn về trách nhiệm, sứ mệnh “đi tìm sự thật” của truyền thông báo chí mà quên mất nghĩa vụ phải “tuân thủ pháp luật” và chức năng nhiệm vụ của mình trước những thông tin công bố ra công chúng. Rõ ràng, VTV có quyền tìm hiểu và giúp các cơ quan chức năng điều tra xử lý các vi phạm, nhưng tuyệt đối không được xâm phạm đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của Công Phượng; hành vi của bình luận nhằm chỉ trích và thách thức cầu thủ này lên tiếng thật phản cảm, gây bức xúc trong dư luận. 

Đây là cú sốc đối với một cầu thủ trẻ và nó có thể "giết chết" sự nghiệp của một tài năng bóng đá.

"Theo tôi, để tránh sự việc đi quá xa và có những hậu quả đáng tiếc xảy ra thì chương trình Chuyển động 24h của VTV cần phải có đính chính và công khai xin lỗi Công Phượng trước khi quá muộn".

Cùng quan điểm trên với đồng nghiệp, luật sư Huỳnh Kim Ngân (Đoàn Luật sư TP.HCM) thông tin trên báo điện tử Infornet: "Việc Chuyển động 24h của VTV công bố giấy khai sinh, học bạ và kê khai nhân khẩu... liên quan đến Công Phượng nhưng chưa được sự đồng ý của công dân này là điều đáng tiếc. Việc truy xuất thông tin cá nhân như trên một cách công khai, đồng thời nêu cả quan điểm trước khi có kết luật chính thức của các cơ quan chức năng là vi phạm pháp luật, không được phép làm".

Điều 21  Hiến Pháp

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.  

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Bộ Luật Dân Sự : Điều 38. Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.