Bóng đá Trung Quốc

"Vòi bạch tuộc" bí ẩn

ANTĐ - Không phải Premier League ở Anh, không phải La Liga của Tây ban nha, không phải MLS của Mỹ hay bất cứ giải đấu nào ở dải đất lắm tiền nhiều của Trung Đông mà chính Trung Quốc mới là nền bóng đá đang thống trị thị trường chuyển nhượng thế giới. đằng sau những bản hợp đồng kỷ lục với Ramires, Teixeira hay Jackson Martinez ấy là gì?

"Vòi bạch tuộc" bí ẩn ảnh 1Ramires (phải) và CLB Jiangsu lắm tiền nhiều của đã bị CLB B.Bình Dương chặn đứng 

Những con số khủng khiếp

“Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”, đó là triết lý rất đúng với bóng đá Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây. Quả thật, chưa có giải đấu nào lại khiến người ta thường xuyên phải ngạc nhiên sau mỗi thương vụ chuyển nhượng như Chinese Super League (CSL - Giải Ngoại hạng Trung Quốc) trong giai đoạn vừa qua. Chỉ trong 10 ngày ở cuối kỳ chuyển nhượng mùa đông 2016, các CLB Trung Quốc đã phá 3 kỷ lục, một điều mà ngay cả những Chelsea, Man City, PSG hay Real cũng cảm thấy ngao ngán. Jiangsu Suning chi gần 100 triệu Euro cho bộ đôi Alex Teixeira của Shakhtar Donetsk và Ramires của Chelsea.

Trong khi Guangzhou Evergrande cũng vượt mặt cả Chelsea và Arsenal để sở hữu Jackson Martinez từ Atletico với giá 42 triệu Euro. Trước đó, Robinho, Anelka và Drogba cũng từng thử sức ở đây. CSL trở thành thách thức lớn nhất với giải Nhà nghề Mỹ (MLS) trong việc thu hút ngôi sao từ các giải đấu lớn ở châu Âu và thậm chí đe dọa trực tiếp đến toan tính và tương lai của nhiều đội bóng lớn. Chelsea từng coi Alex Teixeira là mục tiêu chuyển nhượng số 1, trong khi Jackson Martinez cũng lọt vào tầm ngắm của Arsenal. Thế nhưng, khi các đại gia Trung Quốc ra tay, họ đành phải “về nhì” vì không thể chi trả nổi mức lương gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần quỹ lương của họ cho phép.

Bên cạnh việc vung tiền mua ngôi sao, các đại gia Trung Quốc còn vươn “vòi bạch tuộc” ở tầm cao khi mua 13% cổ phẩn của Man City trị giá tới 265 triệu Bảng. Ngoài những bản hợp đồng khủng, bóng đá Trung Quốc cũng rất chịu khó đầu tư vào truyền thông. Trong nhiều năm, những trận đấu quan trọng của Serie A thường xuyên được diễn ra ở sân vận động Tổ chim tại Bắc Kinh. Ấn tượng hơn, bản quyền giải CSL cũng vừa được Tập đoàn Truyền thông LeSports mua trong thời hạn 5 năm, với trị giá 2 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 7.000 tỷ đồng).

Theo ông Cheng Yizhong, Giám đốc điều hành LeSports, các trận đấu của CSL trong thời gian tới sẽ được tường thuật trực tiếp ở Mỹ, Canada, Thái Lan, Ấn Độ... Quy mô quảng bá của bóng đá Trung Quốc sẽ được mở rộng hơn lúc nào hết. Tất cả nhằm hướng tới tham vọng đăng cai World Cup 2026 của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Sự hào nhoáng giả tạo

Có một sự thật là dù chi rất nhiều tiền, nhưng chất lượng của bóng đá Trung Quốc vẫn chỉ lẹt đẹt ở đấu trường thế giới. World Cup 2002 ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc lần đầu tiên tham dự nhưng cũng chẳng để lại ấn tượng gì. Họ thua cả 3 trận trước Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Costa Rica, không ghi nổi bàn thắng nào. Kể từ đó, đội tuyển Trung Quốc không còn được nhắc tới ở những giải đấu cấp châu lục chứ chưa nói gì đến tầm thế giới. Các CLB Trung Quốc không phải lúc nào cũng trở thành nỗi e ngại với các đối thủ đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc, những nền bóng đá phát triển theo hướng bền vững hơn thay vì chỉ vung tiền. 

Trước đây, Drogba và Anelka đến Shanghai Shenhua nhưng chỉ tồn tại được ở đây chưa đầy 1 năm. Dù hưởng lương cao ngất ngưởng, nhưng khát vọng thi đấu và cống hiến gần như bằng không. Các cầu thủ ngôi sao đến đây chỉ vì tiền chứ không phải vì chuyên môn. Và khi thi đấu chỉ vì tiền, thì rất khó để họ cống hiến những gì tinh túy nhất của mình cho đội bóng. Xu thế sính ngoại của bóng đá Trung Quốc có thể trở thành con dao hai lưỡi, bởi những cầu thủ trẻ trong nước sẽ không có đất để phát triển. Trong khi những ngôi sao được mua về nghiễm nhiên có 1 suất đá chính, bất chấp việc họ đá tốt hay đá dở. 

Chẳng đâu xa, trận Jiangsu Suning gặp B.Bình Dương trên sân Gò Đậu trong khuôn khổ AFC Champions League cách đây ít ngày là một ví dụ. Là CLB được chú ý nhất trên thế giới thời điểm đó, nhờ đội hình xuất phát với Teixeira, Ramires, Jo và HLV Dan Petrescu, nhưng có thể thấy Jiangsu Suning chật vật thế nào để có thể giành điểm ở Bình Dương. Tới từ những giải đấu hàng đầu châu Âu, nhưng cả Ramires lẫn Teixeira đều phải vật lộn và mờ nhạt trước các hậu vệ của V-League. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy không phải cứ đầu tư thật nhiều là sẽ lập tức mang lại thành công.

Sau trận, HLV Dan Petrescu “chữa cháy” cho các học trò rằng họ mới đến nên “chưa thể hòa nhập”. Rõ ràng đó chỉ là một lời bào chữa, vì hơn ai hết, từng thi đấu ở Chelsea, cựu hậu vệ người Romania này hiểu rằng đã là ngôi sao, việc hòa nhập là chuyện bình thường, nhất là ở những trường hợp đang từ “cao” xuống “thấp” như Ramires và Teixeira. Họ thực sự có động lực để chiến thắng, hay chỉ ra sân vì những khoản tiền rủng rỉnh đổ về tài khoản mỗi tuần, chỉ họ mới biết!

“Sướng” nhất lúc này có lẽ là những CĐV bóng đá Trung Quốc, khi liên tục được chứng kiến những ngôi sao ở châu Âu thi đấu hàng tuần trên sân cỏ nước nhà. Nhưng có một sự thật, bóng đá Trung Quốc khó có thể được ghi nhận thực sự, nếu chỉ biết vung tiền ra mua cổ phần của CLB nào đó, hay có được chữ ký của ngôi sao. Một dạng để “rửa tiền”, hay đằng sau đó là âm mưu gì thì khó ai có thể biết.

Cuộc “di cư” của các sao bóng đá tới Trung Quốc

1. Tim Cahill: Huyền thoại bóng đá của Australia sau khi chinh phục tình cảm của khán giả Mỹ bằng 3 năm khoác áo CLB New York Red Bulls đã chuyển tới Trung Quốc. Anh bắt đầu chơi cho đội bóng TP Thượng Hải Shanghai Shenhua từ tháng 3-2015, tới nay đã ghi được 12 bàn sau 32 lần ra sân. 

2. Paulinho: Bị thất sủng và có quãng thời gian không hạnh phúc tại Tottenham kể từ khi HLV Mauricio Pochettino lên nắm quyền, Paulinho tìm cách tháo chạy khỏi White Hart Lane và điểm đến mà anh lựa chọn là Guangzhou Evergrande. 14 triệu Euro là số tiền “đại gia” Trung Quốc này bỏ ra để đổi lấy sự phục vụ của tiền vệ người Brazil.

3. Demba Ba: Từng gây thất vọng lớn trong màu áo Chelsea nhưng Demba Ba vẫn khiến đội bóng nhà giàu Trung Quốc Shanghai Shenhua bỏ ra tới 13 triệu Euro để đón anh về từ Besiktas - nơi anh có một mùa giải tương đối thành công (27 bàn/44 trận) vào tháng 6-2015 với bản đồng kéo dài 3 năm. Giai đoạn đỉnh cao của Demba Ba là quãng thời gian anh thi đấu cho CLB Newcastle United tại giải Ngoại hạng Anh.  

4. Asamoah Gyan: Asamoah Gyan là một trong những tiền đạo đáng sợ nhất châu Phi ở thời kỳ đỉnh cao phong độ trong màu áo Rennes (Ligue 1). Được cho là có 4 năm “hốt bạc” tại UAE trong màu áo Al-Ain FC ở giải VĐQG UAE, Asamoah Gyan tiếp tục sự nghiệp “du mục” của mình tại Thượng Hải - Trung Quốc trong màu áo SIPG. Chỉ sau 15 trận, Asamoah Gyan ghi tới 10 bàn, chứng minh được đẳng cấp của người từng chơi bóng tại Serie A, Ligue 1, Premier League. 

5. Didier  Drogba: Sau khi lên đỉnh vinh quang với chức vô địch Champions League 2011-2012 cùng Chelsea, Drogba không gia hạn hợp đồng với đội chủ sân Stamford Bridge. Thay vào đó, Drogba nhận lời đến Shanghai Shenhua, nơi anh ghi được 8 bàn sau 11 lần ra sân.

6. Mohamed Sissoko: Năm 2015, sau khi đáo hạn hợp đồng với CLB chủ quản Levante, Mohamed Sissoko đã đồng ý chuyển tới Shanghai Shenhua và hiện đang là trụ cột của đội bóng này. Trước khi tới Trung Quốc, cầu thủ người Mali từng chơi cho nhiều đội bóng lớn như Valencia, Liverpool, Juventus hay PSG.

7. Anelka: Sau 4 năm không để lại nhiều dấu ấn ở Chelsea, Anelka gây bất ngờ khi chuyển tới CLB Shanghai Shenhua theo dạng chuyển nhượng tự do dù lúc đó có không ít đội bóng tầm trung ở châu Âu sẵn sàng đón anh về. Anh cũng chỉ chơi hơn 1 năm tại đây trước khi trở lại châu Âu thi đấu từ năm 2013.

8. Robinho: Nghe theo tiếng gọi của ông thầy Luiz Felipe Scolari và cả đồng tiền, Robinho đồng ý chuyển tới Guangzhou Evergrande theo dạng chuyển nhượng tự do từ CLB AC Milan. Từng được mệnh danh là “Tiểu Pele” nhưng giờ đây Robinho phải chấp nhận tìm kiếm cơ hội ra sân ở Trung Quốc.

9. Dario Conca: Không ai biết Dario Conca là ai cho đến khi Guangzhou Evergrande bỏ ra 8,2 triệu Euro để đưa anh tới Trung Quốc từ CLB Fluminese của Brazil. Tại đây, Dario Conca nhận mức lương lên tới 167.000 Bảng/tuần, đưa Conca từ một cầu thủ vô danh lên Top 3 các cầu thủ được trả lương cao nhất thế giới, chỉ kém Messi và Cristiano Ronaldo. 

10. Seydou Keita: 4 năm chơi bóng đỉnh cao cho Barcelona là những năm tháng đẹp nhất trong sự nghiệp của Seydou Keita. 14 là con số các danh hiệu lớn nhỏ mà Keita cùng với đội bóng xứ Catalan giành được. Sau khi Pep Guardiola chia tay đội bóng, cầu thủ người Mali này cũng rời Barcelona để đến với Dalian Aerbin theo dạng chuyển nhượng tự do.