Vì sao bản quyền AFF Cup 2020 bị "thổi giá" cao nhất lịch sử?

ANTD.VN - Lagardère Sports Asia (LSA) - đơn vị nắm bản quyền AFF Cup 2020 đã tìm hiểu rất kỹ và nhìn thấy tiềm năng thị trường Việt Nam, trước khi đưa ra con số 5 triệu USD cho bản quyền truyền hình AFF Cup 2020.

Theo thông tin rò rỉ, bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 được LSA chào bán với các nhà đài Việt Nam là 5 triệu USD. Con số này cao gấp 250% so với kỳ AFF Cup cách đây hai năm, cũng được bán bởi LSA. Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà LSA đưa ra mức giá được ghi nhận là cao nhất lịch sử này.

LSA "bắt thóp" người Việt để "thổi giá"

Bóng đá Việt Nam trong hơn 2 năm trở lại đây đang có bước tiến vượt bậc trên các đấu trường, từ khu vực tới châu lục và thế giới. Với AFF Cup, chúng ta đang là đương kim vô địch - đội bóng sẽ nhận được sự chú ý nhất của cả Đông Nam Á khi giải đấu lăn bóng.

Nhu cầu theo dõi các trận đấu của tuyển Việt Nam là rất lớn

Những thành tích sáng chói mà thầy trò HLV Park Hang-seo đạt được đã tạo hiệu ứng tích cực tới xã hội, thu hút sự quan tâm cực lớn từ người dân ở những giải đấu kế tiếp. Ở một đất nước đa số người dân đều cuồng nhiệt bóng đá thì nhu cầu theo dõi các giải đấu của đội tuyển còn cao gấp bội.

Những nhà kinh doanh lọc lõi như LSA hẳn đã nhìn ra điều này và trong mắt họ, Việt Nam với khoảng 100 triệu dân trong nước và hàng chục triệu Việt kiều là thị trường béo bở, thị trường quyết định tới lời lãi của thương vụ bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 trên toàn cầu.

Thêm vào đó, các nhà đài Việt đã từng có những cuộc cạnh tranh khốc liệt, thậm chí "đi đêm", bạo chi để giành giật và độc quyền bản quyền phát sóng món hàng. Bản quyền giải Ngoại hạng Anh, Champions League thời gian qua là ví dụ. Thực tế cũng cho thấy Việt Nam chưa hoàn toàn buông bản quyền giải đấu nào, dù giá bản quyền có đắt tới đâu.

Nắm bắt điều này, LSA đã quyết định "thổi giá" bản quyền truyền hình AFF Cup 2020 lên gấp 2,5 lần cách đây hai năm.

Đáng chú ý, thay vì chia bản quyền thành 2 gói khác nhau (bản quyền truyền hình trên các nền tảng miễn phí và bản quyền truyền hình trên các nền tảng trả tiền, internet, trình chiếu công cộng), LSA đã gộp lại thành gói duy nhất, kích thích tâm lý độc quyền món hàng của một số nhà đài Việt.

Bên cạnh việc tung ra gói độc quyền, LSA cũng không nêu thời hạn cuối cùng để đàm phán, đồng nghĩa ai nhanh tay và chịu chi hơn sẽ thắng. Điều này khiến cuộc chạy đua giữa các đơn vị truyền hình trong nước càng thêm phần khốc liệt.

5 triệu USD là đắt hay rẻ?

Nhiều người khi nghe LSA đưa ra mức giá 5 triệu USD (khoảng 115 tỷ đồng) đã thốt lên rằng quá đắt, rồi "khuyên" các nhà đài Việt không nên bỏ ra số tiền lớn cho một giải đấu xưa nay vẫn bị ví là "ao làng".

Song ở góc độ kinh doanh, thời điểm này khó có thể nói mức giá 5 triệu USD là đắt hay rẻ, bởi việc lời hay lỗ chỉ có thể biết rõ khi giải đấu khép lại.

Với thương vụ lớn như bản quyền truyền hình AFF Cup 2020, đòi hỏi những người kinh doanh phải có sự nhạy cảm, đưa ra dự định mức giá trên yếu tố nhu cầu của thị trường, từ đó có chiến lược kinh doanh làm sao để "món hàng" mua về có thể sinh lời.

Việc LSA chào giá cao trong bối cảnh dịch Covid-19 đang đánh thẳng vào "túi tiền" doanh nghiệp càng khiến các nhà đài phải cân nhắc thiệt hơn, bởi nguồn thu hồi vốn chủ yếu đến từ các hợp đồng quảng cáo.

Chắc chắn khi cân nhắc mua bản quyền truyền hình AFF Cup 2020, các nhà đài đều lường trước rủi ro bên cạnh áp lực thời gian, bởi nếu mua được càng sớm thì càng có thời gian để lên chiến lược kinh doanh, thu hồi vốn và kiếm lời từ bản quyền giải đấu này.