Vì đường đời không êm ái như đường đua

ANTĐ - Là phụ nữ nhưng chọn một môn thể thao nghiêng nhiều về “cơ bắp”, Hương cũng phải hy sinh rất nhiều những điều mà một phụ nữ bình thường khác không bao giờ dám nghĩ tới.

Tên của Vũ Thị Hương đã gắn với biệt danh “nữ hoàng tốc độ” của đường đua l00m nữ. Từng nhiều lần mang vinh quang về cho nền thể thao nước nhà nhưng ít ai biết vinh quang đó được đánh đổi bằng những ngày tháng tập luyện gian khổ, những vết thương đau nhức mỗi khi trở trời, những năm tháng tuổi trẻ, và cả hạnh phúc gia đình...

Một Vũ Thị Hương “nữ hoàng” trên đường đua

Vũ Thị Hương được coi là thiên tài điền kinh vì cô sớm bộc lộ năng khiếu với môn thể thao này từ khi còn học phổ thông. Biệt danh “nữ hoàng tốc độ” đã đi theo Hương sau khi cô giành Huy chương Vàng cự ly 100m, 200m liên tiếp trong ba kỳ Seagames 23, 24, 25. Nhưng để đạt được đỉnh vinh quang ấy, “thiên tài điền kinh” không chỉ đơn thuần dựa vào năng khiếu bẩm sinh trời cho, mà còn phải nỗ lực cố gắng cả về trí tuệ và sự tích lũy kinh nghiệm trong thi đấu.

Những người đã từng tiếp xúc với Hương ở ngoài đời mới nhận thấy, ở Hương tồn tại hai con người, đủ cứng rắn nhưng cũng thừa dịu dàng. Một người bạn của Hương đã nhận xét: “Hương rất cá tính, có thể cô ấy làm những việc người khác cũng làm nhưng luôn bằng cách riêng của mình, cái cách... rất Hương”.

Là phụ nữ nhưng chọn một môn thể thao nghiêng nhiều về “cơ bắp”, Hương cũng phải hy sinh rất nhiều những điều mà một phụ nữ bình thường khác không bao giờ dám nghĩ tới. Thời gian luyện tập quá nhiều và điều kiện luyện tập khắc khổ không làm Hương nao núng, cô luôn cố gắng làm tốt mọi việc trong khả năng có thể của mình. Và thật rạch ròi trong cách sống, thậm chí cả cách yêu. Như cách cô nói với chồng: “Em yêu anh nhưng em cũng yêu điền kinh”.

 

Vũ Thị Hương trên đường chạy

Ngay cả việc chọn cự ly chạy, Hương đã chọn cự ly 100m là một loại cự ly “khó nhằn”, vì với cô: “Trong thi đấu thể thao ai cũng có chiến thuật riêng, nhưng chiến thuật của 100m thì không như các môn khác, vì ở các môn khác vận động viên có đủ thời gian để chỉnh sửa lỗi khi thi đấu, còn với cự ly ngắn thì chỉ có thể tính toán là ở vòng loại chạy thế nào, chỗ xuất phát chạy như thế nào, chứ còn nếu để làm chiến thuật hay toan tính gì khác thì chắc không có đủ thời gian. Bởi vì thế mới nói môn tốc độ là cư ly danh giá nhất của điền kinh là ở chỗ ấy, vận động viên chỉ có duy nhất một cơ hội và không thể sửa chữa nếu mắc sai lầm”.

Hương sinh năm 1986, tuổi Dần, nên nhiều người hay nói cô khổ. Tuy nhiên, cô rất thẳng thắn khi bày tỏ một phần về thế giới quan của mình: “Tính nết của mỗi người là do khi sinh ra đã có sẵn rồi, Hơn nữa, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nên mình không thể nói là con gái tuổi Hổ là phải dữ dằn hay không dữ dằn, khó tính hay không khó tính cả. Cái tuổi của mỗi người gắn theo các con giáp là để phân biệt lấy lệ thế thôi chứ chẳng liên quan gì cả”.

Cá tính mạnh mẽ thế đấy, nhưng Hương vẫn là một phụ nữ thích đi mua sắm, làm đẹp, đặc biệt mỗi khi rảnh, Hương rất thích tự tay thiết kế quần áo cho mình. Hương có một gu thẩm mỹ rất riêng, không dễ bắt chước. Đặc biệt là đối với trang phục thi đấu, Hương càng kỹ tính hơn. Ít ai biết rằng toàn bộ trang phục thi đấu của Hương từ trước tới nay đều do cô tự vẽ kiểu rồi đưa thợ may quen thực hiện. Dĩ nhiên, với thu nhập như của Hương thì việc mua một bộ trang phục thi đấu hàng hiệu không phải là chuyện quá khó, cô nói: “Em không thích mẫu nào nên tự thiết kế lấy cho mình”.

Hương bật mí: “Từ xưa tới giờ, em luôn thích tự may đồ thi đấu cho mình. Em có anh thợ may quen ở thành phố Hồ Chí Minh chuyên may đồ cho em. Nếu không ở thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ cần gọi điện để tả qua kiểu dáng là anh ấy biết ngay”. Có một chi tiết thú vị là “anh thợ may quen” của Hương từng thi đấu điền kinh (môn chạy rào), và hiện tại hầu hết quần áo thi đấu cũng như tập luyện của đa số vận động viên điền kinh Việt Nam đều do cựu vận động viên chạy rào này thực hiện.

Hương cũng cho biết, dù không mặc đồ hàng hiệu nhưng khi thi đấu chưa bao giờ, Hương cảm thấy mặc cảm khi đứng cùng các vận động viên nước ngoài. Thậm chí Hương còn nói đùa: “Mặc đồ hiệu có thể thấy tự tin hơn, nhưng có thể vì tôi mặc đồ không hiệu nên khi đạt thành tích bàn dân thiên hạ ai cũng nể Việt Nam”. Đúng là Hương không mặc đồ hiệu thể thao như các vận động viên nước ngoài, nhưng khi xuất hiện trên đường chạy, Hương vẫn luôn là một trong những người nổi bật nhất, bởi trang phục do Hương phối màu thường trông rất lạ và bắt mắt. Ngoài ra còn một nguyên nhân nữa là Hương sở hữu một thân hình chuẩn không kém người mẫu là bao, nên vẫn “ăn đứt” nhiều đối thủ khác tuy mặc hàng hiệu song lại quá cơ bắp nên thiếu sự mềm mại theo kiểu nữ tính.

Đắng cay một góc khuất của Vũ Thị Hương trên đường đời

Hương là một trong những vận động viên lặng lẽ nhất trên đường chạy. Cô ngại tiếp xúc với báo chí, thường im lặng khi ai đó hỏi về chuyện ngoài chuyên môn. Cuộc đời bên ngoài sân thi đấu là một góc khuất Hương không muốn nói nhiều. Nghe tôi hỏi về chuyện con cái, Hương cười chua chát bảo: “Chắc chị lại đọc trên mạng đúng không? Nếu chịu khó để ý thì sẽ biết ngay tôi có con hay không? Thi đấu đỉnh cao từ năm 16 tuổi chưa một năm nào tôi nghỉ thì thời gian đâu mà mang bầu và sinh con”.

Năm 16 tuổi, Hương quen và yêu một anh bộ đội cùng quê. Đám cưới của họ diễn ra một năm sau đó. Nhưng vào thời điểm Hương bắt đầu tỏa sáng và được coi là niềm hy vọng mới của điền kinh Việt Nam thì cũng là lúc gia đình nhỏ của cô bắt đầu rạn nứt. Liên tục tập huấn và thi đấu xa nhà, những lời đồn đại thất thiệt về quan hệ tình cảm của Hương với một lãnh đạo bộ môn đã khiến người chồng ở quê nhà không đủ sức chịu đựng. Quá mệt mỏi và chán nản, Hương đã xao nhãng việc thi đấu cũng như tập luyện, cô đã bị kỷ luật, loại tên ra khỏi danh sách thi đấu Seagames.

Cô bỏ về quê một thời gian lúc đó với Hương gia đình là chỗ dựa quan trọng nhất. Bố mẹ luôn bên cạnh an ủi động viên Hương giúp cô lấy lại ý chí quyết tâm trở lại tập luyện và may mắn vẫn được tham gia thi đấu. Đó là năm 2005, năm cô đoạt Huy chương Vàng tại Seagames 23.  Tiếc là sau vinh quang ấy, gia đình của cô đã tan vỡ. Hương kể: “Đó là giai đoạn tôi cảm thấy rất đau khổ. Nhưng càng đau tôi càng chú tâm tập luyện để quên đi nỗi buồn trong cuộc sống. Tôi phải chấp nhận trả giá cho cuộc hôn nhân khi còn quá trẻ của mình”.

Đến bây giờ khi nhìn lại quãng đời đã qua, Hương bình thản nói: “Thật ra, tôi cũng không hiểu vì sao mình... lấy chồng sớm. Đó là cái duyên cái số, đôi khi không cưỡng lại được. Nhưng ngay cả khi lấy chồng, tôi cũng không bao giờ nghĩ mình sớm chấm dứt sự nghiệp điền kinh. Tôi cũng nghe đủ lời đàm tiếu, hoặc tư vấn kiểu như “đừng sớm nghĩ đến chuyện riêng tư, làm ảnh hưởng đến sự nghiệp”. Nhưng tính tôi nó vậy, thích là làm. Vấn đề là tôi tách bạch chuyện riêng và sự nghiệp rất rõ ràng. Tôi đã từng nói thẳng với chồng: “Em yêu anh, nhưng cũng yêu điền kinh. Vậy nên, em không muốn dư luận nói rằng, em lấy chồng là hỏng sự nghiệp. Em phải chứng minh điều ngược lại”.

 

Trên bục vinh quang

Cuộc hôn nhân thứ hai của Hương cũng không thuận lợi lắm, vì chồng cô kém cô 2 tuổi và lại là con một, vốn là dân điền kinh. Ngày mới quen nhau Dũng vẫn gọi Hương là chị. Sau một thời gian thi đấu “người em” ấy bỏ nghiệp chạy, lao vào học đại học Hàng Hải. Bẵng đi một thời gian, Dũng bỗng xuất hiện trở lại tìm Hương vào đêm Noel 2007, anh bất ngờ ngỏ lời yêu thương. Hương nói: “Thật tình em cũng có chút tình cảm với anh ấy nên đã gật đầu nhận lời dù cảm thấy rất bối rối và ngượng nghịu khi phải gọi cậu em ngày nào là anh”.

Lúc đó Hương đã gật đầu nhưng cô đâu biết phía sau là một con đường quá gian nan. Gia đình Dũng phản đối kịch liệt. Nhưng cũng nhờ khó khăn mà Hương cảm nhận được: “Dũng thật sự là một người đàn ông chín chắn và kiên định. Anh cương quyết tiến tới hôn nhân và tình yêu đã giúp chúng em vượt qua mọi rào cản định kiến để đến với nhau”.

Cưới nhau rồi nhưng hai người như “Ngưu Lang - Chức Nữ”, chẳng mấy khi được gặp nhau bởi Dũng phải miệt mài học tập ở Hải Phòng, còn Hương thì “gửi thân” tại An Giang. Tuy nhiên, chưa bao giờ Hương nghĩ đến chuyện giã từ đường đua vì cô luôn kiên định: “Em yêu Dũng nhưng cũng yêu điền kinh. Em sẽ sống hạnh phúc với cả chồng và điền kinh. Dù sao cũng may là Dũng chia sẻ với em chuyện này”.

Ước mơ giản dị của một “nữ hoàng”

2 năm liên tiếp là vận động viên số một của Việt Nam, hiện nay mức lương của Hương là mức lương mơ ước tại An Giang. Ngoài ra cô còn có thêm nhiều khoản tiền thưởng khác nên ai cũng nghĩ rằng cuộc sống của Hương giờ chắc hẳn đã rất đầy đủ và không có gì phải ước mơ thêm nữa. Nhưng sự thực không hoàn toàn như thế. Cách đây mấy năm, Hương đã chung tiền với gia đình nhà chồng để mua một mảnh đất bên Gia Lâm, nhưng Hương vẫn ước ao một ngày nào đó được sở hữu ngôi nhà của riêng mình.

Khi được hỏi tại sao không tìm kiếm nhà tài trợ, Hương cười buồn: “Có tài trợ thì chỉ những môn như bóng đá nam mới được quan tâm nhiều, chứ còn điền kinh thì khó lắm. Giá mà vận động viên điền kinh cũng có nhà tài trợ như các đồng nghiệp ở bóng đá nam thì tốt biết mấy”.

Còn khi nói về chuyện con cái, Hương chùng giọng xuống xúc động. Kinh qua những thăng trầm của cuộc sống, cô chín chắn hơn khi nhìn về thế hệ kế tiếp. Hương cho biết vợ chồng cô đã quyết định đợi Hương giải nghệ xong mới có con, để có thể chăm sóc con một cách tốt nhất. Hiện giờ cô đang cẩn thận xây đắp và gìn giữ hạnh phúc gia đình của mình hơn trước.