VFF đứng ngoài về chuyên môn?
(ANTĐ) - Sau những sự cố liên tiếp xảy ra trên các sân bóng hạng Nhất và V.League mùa giải 2008 mà trực tiếp là BTC giải và VFF đang chịu sức ép lớn từ dư luận, nhiều khả năng bắt đầu mùa giải tới, VFF sẽ không trực tiếp đứng ra tổ chức các giải đấu mà nhiệm vụ này có thể được giao cho một tổ chức khác.
Việc VFF không đứng ra tổ chức các giải quốc gia có thể cho thấy việc điều hành các giải đấu bóng đá ở Việt Nam không hề đơn giản bởi tính chất phức tạp của nó.
BTC giải sẽ do các CLB bầu ra
Không nhận nhiệm vụ trực tiếp đứng ra tổ chức các giải bóng đá quốc gia, tất nhiên công việc này phải giao cho một bộ phận khác. Theo lời của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, sẽ có một tổ chức riêng đứng ra đảm nhận nhiệm vụ.
Tổ chức đó giống như một công ty tổ chức sự kiện và hoạt động độc lập với VFF, do chính các CLB cùng ngồi bàn bạc và thống nhất bầu ra. Tuy nhiên, để chọn ra được một tổ chức có đủ tầm và năng lực, hiểu biết về bóng đá để tổ chức thành công, hiệu quả những giải đấu bóng đá, quá khó.
Việc thay đổi BTC giải và hướng đến giao cho một công ty tổ chức sự kiện là một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch cải cách giải VĐQG của VFF.
BTC giải mới sẽ có cơ chế hoạt động độc lập giống như Ban Kỷ luật, Ban Khiếu nại… và tự lo toàn bộ những vấn đề về chuyên môn. VFF dù không đứng ngoài cuộc nhưng sẽ lo những vấn đề như vận động tài trợ hoặc có thể có những động thái hỗ trợ về chuyên môn.
Cũng trong chiến dịch cải cách theo khuyến cáo của FIFA, Bộ VH-TT&DL yêu cầu xem xét lại tính hiệu quả của bộ máy VFF với phương thức quản lý 2 tầng như hiện nay.
Khuyến cáo “tinh giảm biên chế” của FIFA có thể là một gợi ý tốt để bộ máy VFF đỡ cồng kềnh, giảm bớt được những chi phí không cần thiết về nhân lực và Đại hội BCH khóa V tới đây cần phải nhìn nhận và thay đổi.
Để các CLB hoạt động một cách độc lập và có quyền tự quyết nhằm nâng cao hơn nữa trình độ của bóng đá Việt Nam, VFF cũng nhờ Chính phủ yêu cầu toàn bộ các đội bóng chuyên nghiệp đến năm 2010 phải được cổ phần hóa, việc thành lập và hoạt động cũng nằm trong quy chế của Luật Thành lập doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp hiện hành.
An ninh được siết chặt
Từ những sự cố đáng tiếc xảy ra trong và ngoài sân bóng thời gian qua, nhất là trường hợp CĐV Hà Huy Thành của TCDK.SLNA bị xe của CĐV Hải Phòng cán chết ngoài đường, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Công an, Bộ Nội vụ và lãnh đạo các tỉnh vào cuộc để góp sức cùng với BTC tổ chức các giải đấu thể thao được an toàn, nhất là bóng đá.
Trực tiếp ông Nguyễn Trọng Hỷ đã làm việc với Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ và giúp đỡ của bộ phận an ninh trong công tác phòng chống tiêu cực, nạn hooligan trong bóng đá.
Nhiều khả năng cũng từ mùa giải tới, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự cho các trận đấu được giao thẳng cho công an địa phương mà trực tiếp chỉ đạo là của lãnh đạo Bộ Công an, BTC địa phương chỉ lo về vấn đề chuyên môn và tài chính.
Đồng thời với việc ngăn chặn nhiều vấn nạn trên khán đài và bạo loạn ngoài sân cỏ mà nguyên nhân chính là những khiêu khích trong sân bóng, VFF cũng đang tính đến ý định nâng cao mức xử phạt bằng tiền đối với các thẻ phạt.
Thay vì phạt 300.000 đồng/thẻ vàng và 500.000 đồng/thẻ đỏ trực tiếp như hiện nay, mức phạt tiền sẽ cao hơn gấp nhiều lần và nhất là những trường hợp dính thẻ đỏ do lỗi hành vi nặng, có thể đưa ra các chế tài nặng hơn nữa như treo giò nhiều trận hay cả mùa…
Các hội CĐV cũng phải được giáo dục, hướng dẫn cổ vũ theo ý thức chuyên nghiệp và có quy chế hoạt động riêng. Nếu vi phạm sẽ bị giải tán hoặc “treo” không cho vào sân.
Một vấn đề nữa là công tác tổ chức cần phải được chuẩn hóa theo nguyên tắc chuyên nghiệp chứ không thể quy định một cách lửng lơ sẽ làm khó cho nhiều bên liên quan.
Cụ thể như việc xử phạt một cá nhân hay tập thể đội bóng, nhiều khi những hành động tiêu cực có biểu hiện nhưng các giám sát, trọng tài không “phê chuẩn” vào biên bản sau trận đấu thì chẳng có lý gì mà Ban Kỷ luật lại tự ý đưa ra xử lý cả.
Phương Anh