VFF đau đầu vì chuyện… tiền

ANTD.VN - Nếu như “cơn mưa” tiền thưởng dành cho các đội tuyển khiến VFF “bở hơi tai” để xử lý thì nay, bài toán tìm nguồn tiền trả lương cho HLV Park Hang-seo cùng ê-kip ban huấn luyện khiến lãnh đạo Liên đoàn đau đầu.

Chóng mặt vì “mưa” tiền thưởng

Từ tháng 1-2018 tới nay, bóng đá Việt Nam gặt hái một loạt kỳ tích như đội tuyển U23 giành Á quân châu Á, đội tuyển Olympic vào bán kết ASIAD, đội tuyển quốc gia vô địch AFF Cup và lọt top 8 châu Á. Đi cùng thành tích ấn tượng đó là “cơn mưa” tiền thưởng dành cho các đội tuyển. Chỉ tính riêng chức Á quân U23 châu Á đã mang về cho thầy trò Park Hang-seo hơn 50 tỷ đồng, cùng nhiều phần quà hiện vật khác. Đa số các cá nhân, tổ chức đều chọn Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là đơn vị đầu mối tiếp nhận và kéo theo cả “núi” công việc cho các bộ phận chức năng.

Để các khoản thưởng từ Mạnh Thường Quân tới tài khoản các tuyển thủ là cả một hành trình với nhiều thủ tục, thậm chí bao gồm cả việc… nhắc khéo người thưởng gửi tiền. Bởi theo chia sẻ của trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa, có Mạnh Thường Quân rất chân tình nhưng cũng có người chỉ… ăn theo, hứa hão. “Có giải thưởng tuyên bố 3 tháng rồi chưa thấy mặt mũi đâu. Anh em U23 đang bức xúc” - ông Khoa viết trên trang cá nhân sau chiến tích Á quân giải U23 châu Á.

Chỉ tính riêng chức Á quân U23 châu Á đã mang về cho thầy trò Park Hang-seo hơn 50 tỷ đồng, cùng nhiều phần quà hiện vật khác. Đa số các cá nhân, tổ chức đều chọn Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) là đơn vị đầu mối tiếp nhận và kéo theo cả “núi” công việc cho các bộ phận chức năng.

Những đơn vị thưởng lớn thường gắn thêm điều khoản được tổ chức giao lưu, trao thưởng có sự tham gia của thầy trò HLV Park Hang-seo để phục vụ mục đích quảng bá thương hiệu. Khi đó, VFF thêm một phần việc là xếp lịch dự các lễ trao thưởng cho thành viên đội tuyển. Có thời điểm, thầy trò HLV Park Hang-seo phải “chia năm xẻ bảy” để dự các buổi gặp mặt, trao thưởng diễn ra tại nhiều địa điểm trong cùng một thời điểm.

Điều này từng khiến đại diện một doanh nghiệp “trách hờn” VFF khi không đáp ứng yêu cầu “phải có đại diện lãnh đạo VFF và thành phần cốt cán của đội tuyển dự lễ tiếp nhận tiền thưởng”. Một cán bộ VFF chia sẻ, 4 thành tích tương ứng 4 “cơn mưa” tiền thưởng đến dồn dập trong hơn 1 năm qua đã khiến các bộ phận của Liên đoàn “bở hơi tai” để xử lý, dù họ nằm ngoài đối tượng thụ hưởng các khoản thưởng đó.

Lương mới cho HLV Park Hang-seo cùng các trợ lý có thể lên tới gần 30 tỷ đồng mỗi năm

Tiền đâu để tăng lương thầy Park?

Sau những thành tích của đội tuyển, VFF chịu nhiều áp lực khi truyền thông và dư luận mong mỏi sớm tái ký hợp đồng để giữ chân HLV Park Hang-seo. Thời điểm này, VFF đang trong quá trình tiến hành thương thảo hợp đồng mới với người đại diện của ông Park và vấn đề được quan tâm nhất nằm ở tài chính.

Hai năm trước, ông Park đến Việt Nam chỉ là một người vô danh, nhưng nay, giá trị ông thầy Hàn Quốc đã tăng lên rất nhiều, kéo theo đó là đòi hỏi về mức lương tương xứng. Ở bản hợp đồng cũ, toàn bộ lương và tiền thuế thu nhập cá nhân hơn 700 triệu đồng của ông Park do bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn HAGL) tài trợ. Còn nay, VFF sẽ phải lo liệu tất.

Không chỉ phải tăng lương cho ông Park lên mức 40.000-50.000 USD/tháng, VFF còn phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để tăng lương và giữ chân gần 10 trợ lý, gồm cả người Hàn Quốc và Việt Nam đang giúp việc cho ông Park ở 2 đội tuyển. Ước tính, tới đây VFF sẽ phải chi không dưới 2 tỷ đồng mỗi tháng để trả lương cho toàn bộ ê-kíp ban huấn luyện. Và nếu hợp đồng mới kéo dài 3 năm như dự kiến, tổng tiền sẽ lên tới hơn 70 tỷ đồng. Đây là con số đủ khiến lãnh đạo VFF phải đau đầu, bởi theo báo cáo tài chính, năm 2018 dù hưởng lợi mạnh mẽ từ hiệu ứng U23 Việt Nam, song VFF chỉ thu được tổng cộng 93 tỷ đồng tiền tài trợ.

Tới đây, VFF sẽ lấy tiền ở đâu để chi trả lương mới cho HLV Park Hang-seo? Trước lo ngại này, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải cho biết, Liên đoàn sẽ huy động từ nhiều nguồn lực, bao gồm sự hỗ trợ của ngành thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao có thể hỗ trợ tối đa 10.000 USD/tháng) và sự chung sức của các doanh nghiệp, nhà tài trợ để ông Park và các cộng sự “không phải thiệt thòi”.

“Bầu sữa” từ các đội tuyển quốc gia

VFF đau đầu vì chuyện… tiền ảnh 3

Thương hiệu của các đội tuyển quốc gia đã và sẽ tiếp tục mang về khoản tiền tài trợ khổng lồ nếu VFF biết cách tận dụng, khai thác

Theo báo cáo tài chính VFF nhiệm kỳ 2014-2018, nguồn thu từ tài trợ và quảng cáo đến chủ yếu ở 3 nguồn: các đội tuyển quốc gia, các hoạt động bóng đá trong nước và các sự kiện bóng đá quốc tế. Trong đó, thương hiệu của các đội tuyển quốc gia là chủ yếu, cụ thể: nguồn thu từ các đội tuyển quốc gia trên tổng nguồn thu năm 2014 của VFF là 24,8/46,1 tỷ đồng, năm 2015 là 27,2/53,9 tỷ đồng, năm 2016 là 28,7/65,1 tỷ đồng, năm 2017 là 31,3/81,8 tỷ đồng, riêng năm 2018 nguồn thu từ các đội tuyển quốc gia tăng 15% trên tổng nguồn thu là 92,8 tỷ đồng. 

Còn trong nhiệm kỳ này, VFF cam kết thu được ít nhất 120 tỷ đồng trong năm 2019. Tính đến tháng 6-2019, VFF đã thu được 148 tỷ đồng, trong đó có 15 tỷ đồng tiền từ hàng hóa, 133 tỷ đồng tiền mặt (riêng tiền bán bản quyền truyền hình các trận đấu của đội tuyển quốc gia là 5 tỷ đồng). Đáng chú ý, tỉ trọng tài trợ từ các doanh nghiệp trong nước chiếm 30%, cho thấy VFF đang thu hút được nguồn nội lực khá cao. Nếu biết cách tận dụng tốt giá trị và thương hiệu các đội tuyển quốc gia, VFF hoàn toàn có thể tạo cột mốc mới về tài chính và không phải lo lắng việc tìm nguồn trả lương cho ban huấn luyện, cũng như kinh phí tập huấn, du đấu cho các đội tuyển.