U23 Việt Nam sớm bị loại khỏi VCK U23 châu Á 2016: Không bất ngờ, nhưng thất vọng!

ANTĐ - 0 điểm sau 2 trận thua liên tiếp buộc U23 Việt Nam phải sớm nói lời chia tay vòng chung kết U23 châu Á, dù còn trận đấu thủ tục với U23 UAE (23h30 ngày mai, 20-1). Kết quả này không gây bất ngờ nhưng màn trình diễn của thầy trò HLV Miura khiến người hâm mộ không khỏi thất vọng.

U23 Việt Nam sớm bị loại khỏi VCK U23 châu Á 2016: Không bất ngờ, nhưng thất vọng! ảnh 1Màn thể hiện của U23 Việt Nam (áo sẫm) tại VCK châu Á chưa xứng với kỳ vọng của người hâm mộ. Ảnh: Bảo Lâm

Đội bóng không thủ lĩnh

Có hơn một tháng chuẩn bị với hơn 30 tuyển thủ, trong đó đa phần đã có thời gian dài sát cánh cùng nhau tại vòng loại U23 châu Á và SEA Games 28, được thi đấu cọ xát với các đối thủ từ trung bình tới mạnh, thế nhưng sự ổn định vẫn là thứ xa xỉ với U23 Việt Nam. Hiếm có đội bóng nào khi bước vào giải chính thức mà vẫn loay hoay với những phép thử, liên tục thay đổi để tìm ra một đội hình tối ưu như cách mà thầy trò HLV Miura thể hiện ở 2 trận thua vừa qua.

Điển hình về sự thiếu ổn định của U23 Việt Nam phải kể đến vị trí đội trưởng, khi chủ nhân của tấm băng này thay đổi tới 11 lần: Mạnh Hùng, Thanh Hiền, Tiến Dũng, Hữu Dũng ở 2 trận đấu tập với JFL Selection; Công Phượng trong trận gặp Cerezo Osaka; Thanh Bình, Tấn Tài trong trận đấu tập với U23 Yemen; Duy Khánh, Đức Huy tại trận giao hữu với U23 Nhật Bản; Hữu Dũng ở trận ra quân gặp U23 Jordan và sau đó băng đội trưởng trao lại cho Mạnh Hùng - người được ra sân trận gặp U23 Australia để thế chỗ Thanh Hiền bị chấn thương.

Thủ lĩnh một đội bóng là điểm tựa tinh thần cũng như dẫn dắt lối chơi toàn đội, đóng vai trò mắt xích quan trọng trong sự thành bại của tập thể. Các đời HLV trước đây của U23 Việt Nam luôn rất chú trọng tới việc tìm kiếm, đào tạo và đặt niềm tin vào người đội trưởng. Lịch sử bóng đá Việt Nam hai thập kỷ qua đã ghi nhận những người đội trưởng xuất sắc như Công Minh, Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Tấn Tài, Minh Phương, Công Vinh, nhưng ở U23 Việt Nam hiện tại chưa cá nhân nào đủ sức gánh vác. Một đội bóng không có thủ lĩnh đích thực, nên việc phải nhận thất bại cũng là điều dễ hiểu.

Năng lực có hạn

Hai trận thua dẫn đến việc sớm phải chia tay giải của U23 Việt Nam là kết quả không có gì phải bàn cãi nếu nhìn vào sự chênh lệch đẳng cấp trên bảng xếp hạng FIFA lẫn màn đối đầu trên sân cỏ giữa thầy trò Miura với Jordan, Australia. “Có bột mới gột nên hồ”, rõ ràng HLV Miura đã không có được thứ bột ưng ý ở đấu trường châu Á này. Nhưng ngược lại, những gì mà ông Miura thể hiện tại giải cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ vào người được Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản tín nhiệm, giới thiệu sang Việt Nam.

Người ta chê ông Miura từ việc áp dụng lối chơi bóng dài, thiên về sức mạnh cho dàn cầu thủ Việt Nam có thể hình nhỏ con; đến việc xoay chuyển đội hình khiến chính các tuyển thủ kêu ca rằng mình bị đặt vào vị trí sở đoản và cả sự thiếu nhạy bén trong ứng phó với tình thế trận đấu. Hình ảnh HLV Miura đứng ngồi không yên, liên tục gào thét chỉ đạo học trò và hình ảnh ông lau nước mắt sau tiếng còi kết thúc trận thua U23 Australia đêm 17-1, cho thấy một điều: Họ đã cố hết sức nhưng năng lực chỉ đến thế.

 Người hâm mộ có lý do để thất vọng khi U23 Việt Nam không thể đá hay, đá đẹp như mong muốn tại giải châu Á. Nhưng thất vọng hơn cả là sau 2 năm làm việc, ông thầy đến từ nền bóng đá hàng đầu châu Á không thể giúp bóng đá Việt Nam trả lời được câu hỏi: Bao giờ chúng ta đuổi kịp Thái Lan?