U22 Việt Nam xuất quân: "Không vô địch SEA Games thì... đừng về"

ANTD.VN - Xen giữa hàng ngàn lời chúc "mã đáo thành công", vài độc giả đã bình luận: "Không vô địch SEA Games thì đừng về", dưới các bài báo đưa tin U22 Việt Nam lên đường sang Hàn Quốc tập huấn để tranh HCV SEA Games 29.

"Không vô địch SEA Games thì đừng về" - câu bình luận bị coi là "phũ phàng", ở thời điểm mà đa số cho rằng cần động viên tinh thần cho thầy trò HLV Hữu Thắng trước thử thách gian nan. Song nó lại cho thấy một thực tế, khát vọng HCV SEA Games của người hâm mộ sau gần 60 năm chờ đợi. Và đó là một khát vọng chính đáng.

Bóng đá nam là môn thể thao được ưa chuộng và đầu tư mạnh nhất ở Việt Nam. Cùng thời điểm trước thềm SEA Games, khi mà các tuyển thủ môn khác còn phải chắt bóp cả tiền ăn theo chế độ VĐV trọng điểm để có thêm chút tiền tích cóp cho bản thân hoặc gửi về gia đình, thì các tuyển thủ bóng đá nam hầu như không phải màng tới tiền công khi tập trung ĐTQG, bởi thu nhập của họ ở CLB cao hơn số đó rất nhiều.

Hay đơn cử khi nhìn sang bóng đá nữ đã thấy một sự chênh lệch lớn về mức độ quan tâm, đầu tư, chăm bẵm cho 2 ĐTQG, dù cùng mục tiêu hướng tới SEA Games 29.

Không phải nguyên nhân của những thất bại trong quá khứ nhưng thầy trò HLV Hữu Thắng là đối tượng gánh nghĩa vụ giải cơn khát HCV SEA Games mà bóng đá Việt Nam đã "nợ" người hâm mộ suốt 58 năm qua (Ảnh: BẢO LÂM)

Được quan tâm, đầu tư là thế, song bóng đá nam 58 năm qua - kể từ tấm HCV SEAP Games (tiền thân của SEA Games), đến nay chưa một lần thỏa mãn khát khao vô địch của triệu triệu người hâm mộ.

Cứ mỗi kỳ SEA Games, người hâm mộ lại hồi hộp kỳ vọng nhưng sau đó chỉ chuốc lấy thất vọng tràn trề. Điển hình như kỳ SEA Games 2009, khi đối thủ lớn nhất là Thái Lan đã bị loại bỏ, chung kết chỉ phải gặp bại tướng Malaysia từng thua chúng ta 3-1 ở vòng bảng, thì U23 Việt Nam lại thất bại không tưởng 0-1 do bàn phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp và phản xạ như mơ ngủ của thủ môn Tấn Trường trong bàn thua duy nhất đó. Rất nhiều người hâm mộ Việt Nam đã khóc, không tin vào sự thật rằng thầy trò Calisto đã để lọt Cúp vàng SEA Games vào tay U23 Malaysia.

Trở lại với câu bình luận: "Không vô địch SEA Games thì đừng về", có phần phũ phàng của độc giả - người hâm mộ với thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng, bởi những "lỗi lầm" quá khứ không phải họ gây ra và đây cũng là lần đầu tiên với nhiều người trong số họ có mặt tại SEA Games.

Nhưng cũng khó trách người hâm mộ, bởi họ đã phải chờ đợi quá lâu, nếm trải quá nhiều nỗi buồn, sự thất vọng đến cảm giác như bị phản bội sau mỗi kỳ SEA Games "cầm vàng lại để vàng rơi". Với rất nhiều người, nói đến bóng đá nam SEA Games lúc này chỉ có một nhiệm vụ và đích đến duy nhất: vô địch. Nếu không vô địch, coi như đó là một kỳ SEA Games thất bại.

Thầy trò HLV Hữu Thắng không đáng bị "trút giận" nhưng đang phải gánh trên vai sứ mệnh nặng nề của những thế hệ U23 đi trước để lại. Đó là nhiệm vụ giải cơn khát Vàng SEA Games tích tụ 58 năm của hàng triệu người hâm mộ Việt Nam, những người đã đóng góp một phần tiền thuế của mình để duy trì sự quan tâm, chăm bẵm cho U23 Việt Nam.

Một câu bình luận có thể hơi phũ, nhưng cũng là để nhắc nhớ thầy trò HLV Hữu Thắng rằng HCV SEA Games không chỉ là chỉ tiêu của cấp trên giao phó mà còn là nghĩa vụ đền đáp tình yêu lẫn "món nợ" chưa trả với hàng triệu người hâm mộ Việt Nam.