Tuổi 15 căng tràn sức sống

ANTĐ - “Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo ANTĐ” giờ đã bước sang tuổi 15 - cái tuổi học trò đầy sức sống, sự hoài bão, đam mê với những ước mơ cháy bỏng.
Tuổi 15 căng tràn sức sống ảnh 1

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy" được ghi nhớ và bấm nút vào ngày 13-10-2001, năm học 2001-2002. Đây là sự kiện, một ấn tượng, một hình ảnh đẹp, một ký ức khó quên của lứa tuổi học trò. Ngày ấy, 31 đội bóng học sinh THPT Hà Nội lần đầu tiên hòa mình vào ngày hội lớn tham dự “Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo ANTĐ lần thứ nhất năm 2002”. Trái bóng tròn bắt đầu lăn và kể từ đó giải đấu trở thành một phong trào, một ngày hội lớn thực sự khi mỗi độ thu về, để học trò Thủ đô được đắm mình trong không khí sôi động, hào hứng, náo nhiệt.

Những hoài bão, những ước mơ trong hàng chục vạn trái tim các em học sinh đã rộng mở, tỏa sáng, hy vọng và đợi chờ. Từ các đồng chí trong ban giám hiệu, các thầy, cô giáo, phụ huynh đến những khán giả, từ người trẻ đến người lớn tuổi đều náo nức đón ngày trái bóng lăn. Và kể cả các cụ ông, cụ bà, dẫu tay chống gậy cũng hồ hởi đến sân vận động để xem con cháu mình tranh tài.

Ba mùa “Giải bóng đá Học sinh THPT Hà Nội - Báo ANTĐ” đầu tiên, lần thứ nhất (2001), lần thứ hai (2002), lần thứ ba (2003) đều được tổ chức tại sân vận động Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội). Từ mùa giải lần thứ tư (2004) đến mùa giải (2014), các trận đấu không còn tổ chức tại sân vận động Quán Thánh nữa, mà được tiến hành trên các sân vận động: Hoàng Cầu, Long Biên, Đại học Thủy Lợi, Tây Hồ. Tuy vậy, những trận đấu vòng chung kết đều được diễn ra tại sân vận động Hàng Đẫy - một sân bóng mang nhiều dấu ấn, sự kiện lịch sử, niềm tự hào của nhân dân Thủ đô.

Tham gia “Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo ANTĐ” luôn là niềm vinh dự, sự tự hào của các cầu thủ học trò. Càng tự hào hơn nếu cầu thủ nào từng ghi danh trong các đội bóng học sinh THPT: Chu Văn An, Trần Phú-Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Amsterdam, Trần Quốc Tuấn, Hoàng Văn Thụ, Bán công Đống Đa, Nguyễn Thị Minh Khai, Lomonoxop, đặc biệt 3 trường THPT: Trần Phú (vô địch năm 2002-2006),Trần Quốc Tuấn (vô địch năm 2008 - 2014), Nguyễn Thị Minh Khai (vô địch 2011-2013).

Quên sao được những “Vua phá lưới” qua mỗi mùa giải. Đặc biệt, em Nguyễn Tiến Thọ (số 9, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho đến nay vẫn là cầu thủ vua phá lưới ghi được nhiều bàn thắng nhất (12 bàn) qua 14 mùa giải mà chưa cầu thủ nào vượt qua.

Cùng với sự coi trọng trình độ, kỹ thuật về chuyên môn, Ban tổ chức “Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội-Báo ANTĐ” rất coi trọng và đề cao về đạo đức, phong cách thi đấu trên sân. Các trận đấu từ vòng loại đến vòng chung kết, các em thi đấu hết mình, nêu cao tinh thần, đạo đức, tác phong, cử chỉ, hành động đẹp, cao thượng và fair-play. Những trận đấu dù căng thẳng, mang tính ganh đua song các em đều có thái độ vui vẻ, hành động đẹp khi phạm lỗi. Đấy chính là cái đích giáo dục lớn nhất của những người làm bóng đá phong trào.

Từng tham gia giúp việc cho ban tổ chức giải nhiều năm liền, tôi vẫn nhớ 2 trường THPT: Yên Hòa, Hoàng Diệu đều 2 lần được nhận danh hiệu “Đội bóng có phong cách, đạo đức tốt trong thi đấu”. Đó thực sự là những “Bông hoa đẹp” của “Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo ANTĐ”.

Trái bóng sắp bắt đầu lăn hứa hẹn những trận đấu sôi nổi - hào hứng - đoàn kết - hết mình. Giải đấu còn là sợi dây, nhịp cầu nối liền tình bạn, sự hiểu biết và nghĩa tình giữa các cầu thủ hoa học trò. Đồng thời, các thầy, cô giáo, phụ huynh học sinh thêm gắn bó nhau hơn, bởi “tất cả vì học sinh thân yêu” của chúng ta!

Tuổi 15 căng tràn sức sống ảnh 2