Trương Thanh Hằng dứt áo ra đi
(ANTĐ) - Sau nhiều ngày thương thảo bất thành, chiều qua 24-2, “Nữ hoàng điền kinh” Trương Thanh Hằng (ảnh) đã đưa ra quyết định cuối cùng: chia tay thể thao TP.HCM để trở thành một VĐV tự do.
Sáng 24-2, lãnh đạo Sở VH-TT&DL TP.HCM đã có cuộc gặp với gia đình Trương Thanh Hằng nhằm giải quyết những kiến nghị được gia đình VĐV này đưa ra về chế độ hỗ trợ trong tập luyện và tạo điều kiện việc làm sau khi nghỉ thi đấu của VĐV này.
Tại cuộc họp trên, đại diện ngành thể thao, LĐ điền kinh TP.HCM và gia đình VĐV Thanh Hằng đã thẳng thắn trao đổi các vấn đề trên, nhưng đáng tiếc là cuộc gặp gỡ đã không thể tìm ra tiếng nói chung để có thể giữ chân nhà vô địch châu á này.
Tổng thư ký LĐ Điền kinh TP.HCM Nguyễn Trung Hinh đã khẳng định: “Lãnh đạo ngành thể thao đã trao đổi với Hằng và gia đình về phương án để Trương Thanh Hằng ở lại. Bên cạnh đó, sau khi nghỉ thi đấu, Thanh Hằng cũng sẽ được xem xét tạo điều kiện đi học chuyên ngành TDTT, hoặc tạo việc làm theo như nguyện vọng của VĐV này”. Tuy nhiên, cũng theo ông Hinh, để “giữ chân” Thanh Hằng “nếu bằng mọi giá thì chắc chắn là không!”.
Bà Nguyễn Thị Phượng, mẹ của Thanh Hằng bức xúc: “Thực ra, sự ràng buộc giữa Hằng và thể thao TP.HCM giờ chỉ còn trên khía cạnh tình cảm, vì hợp đồng của cháu với đội tuyển điền kinh đã hết từ lâu.
Thanh Hằng có thể khoác áo Quân đội Trước thông tin Thanh Hằng trở thành VĐV tự do, Công ty viễn thông Quân đội (Viettel) đã ngỏ ý mời Thanh Hằng về đầu quân cho điền kinh quân đội với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Đà Nẵng, Cần Thơ, Ninh Bình cũng đánh tiếng mời Thanh Hằng đều với mức lương thấp nhất là 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều khả năng Thanh Hằng sẽ chọn màu áo quân đội bởi khi về đây, không những VĐV này sẽ được biên chế chính thức mà sau khi nghỉ thi đấu, cô sẽ còn có cơ hội trở thành nhân viên của Viettel. L.V |
Từ năm 2008, chẳng ai thông báo với tôi về việc phải ký tiếp hợp đồng lao động cho Hằng. Gia đình chúng tôi đã rất thiện chí chờ đợi trong suốt 5 tháng qua sau khi gửi đơn kiến nghị cho ngành thể thao TP, nhưng rất tiếc đã không nhận được hồi âm”.
Trong khi đó, Trương Thanh Hằng cho biết: “Tôi tập trung đội tuyển quốc gia nên ủy quyền cho gia đình ký hợp đồng hàng năm với đội dự tuyển điền kinh TP.HCM. Tuy nhiên, gia đình tôi cho biết là hợp đồng năm 2008 chưa được ký, nghĩa là giờ đây tôi không còn thuộc biên chế của điền kinh TP.HCM nữa. Cũng vì cái tình, tôi đã chờ đợi câu trả lời của ngành thể thao TP”.
Lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM đã đưa ra giải pháp “chữa cháy” bằng việc quyết định hỗ trợ kinh phí tập luyện cho Thanh Hằng là 2,7 triệu đồng/tháng, đồng thời huy động nguồn tài trợ từ một số doanh nghiệp để có thể hỗ trợ Thanh Hằng kinh phí lên tới 10 triệu đồng/tháng.
Tuy vậy, điều này cũng không thể giữ chân Thanh Hằng: “Tôi cần một hợp đồng lao động được ký kết chính thức với Sở VH-TT&DL như một số VĐV điền kinh ở các địa phương khác chứ không phải là câu trả lời từ Liên đoàn điền kinh TP.HCM. Chính vì vậy, tôi không đồng tình với cách giải quyết này.
Quản lý VĐV là trách nhiệm của ngành thể thao, còn Liên đoàn đóng vai trò hỗ trợ tìm kiếm thêm tài trợ để giúp đỡ VĐV, chứ không phải thay cả Sở VH-TT&DL giải quyết chế độ lương bổng, chuyện vào biên chế cho VĐV như vậy”. Dự kiến sáng nay 25-2, Thanh Hằng sẽ nộp đơn xin nghỉ thi đấu lên lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM.
Lê Vinh