Trước trận chung kết EURO 2016: Pháp vật lộn với "chiếc áo an ninh" quá khổ

ANTĐ - Với những vụ bạo lực liên tiếp từ lúc EURO 2016 khởi tranh, chủ nhà Pháp cho thấy họ phải vật lộn trong “chiếc áo an ninh” quá lớn tại giải vô địch các quốc gia châu Âu lần thứ 15.

Trước trận chung kết EURO 2016: Pháp vật lộn với "chiếc áo an ninh" quá khổ ảnh 1Lực lượng an ninh Pháp đã phải vất vả đối phó với những cổ động viên quá khích
tại EURO 2016

EURO 2016 đã đi đến hồi kết về chuyên môn cũng như về công tác bảo vệ an ninh của chủ nhà Pháp. Kể từ đầu giải, khoảng 100.000 cảnh sát, binh sĩ và nhân viên an ninh được huy động bảo vệ an toàn cho giải đấu. Kèm theo đó là sự hỗ trợ của đồng nghiệp các quốc gia có đội bóng tham dự cùng những phương tiện kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, lực lượng an ninh của đất nước hình lục lăng phải làm việc rất vất vả và phải nhận không ít lời chỉ trích.

Theo thống kê, nhà chức trách Pháp thực hiện hơn 1.000 vụ bắt giữ liên quan đến bóng đá trước thời điểm diễn ra vòng bán kết. Hơn 600 người bị tạm giam vì các tội danh khác nhau, trong đó có 56 người có tiền án. 65 CĐV Anh và khoảng một nửa con số đó là những fan cuồng của Nga bị bắt và trục xuất khỏi Pháp. Ít nhất 35 người bị chấn thương và 2 CĐV bị thiệt mạng, dù không phải là do đánh nhau, kể từ lúc giải đấu khởi tranh vào ngày 10-6.

Trên thực tế, ẩu đả xảy ra ngay từ lúc EURO 2016 bắt đầu, với tâm điểm là những màn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay của CĐV Anh và Nga. Một số fan quá khích thậm chí còn tấn công cảnh sát. Những vụ xô xát trên đường phố trở thành “món ăn” quen thuộc của giới hâm mộ trong thời gian diễn ra bữa tiệc bóng đá lớn nhất châu Âu. Tình trạng đốt pháo sáng, ném pháo khói và CĐV lao xuống sân còn phổ biến. Đến vòng bán kết, cảnh sát Pháp vẫn vật lộn vãn hồi trật tự tại một số Fanzone và trên các con phố ở trung tâm Paris.

Cơ quan an ninh Pháp đảm trách nhiệm vụ bảo vệ EURO 2016 dường như không nắm được danh sách “đen” của một số   hooligan. Họ cũng thiếu biện pháp phòng ngừa những vụ ẩu đả tại Fanzone, bên ngoài và trong các SVĐ. Đây là lý do dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên khán đài trận đấu giữa Anh và Nga tại vòng bảng. Câu hỏi cũng đặt ra về phản ứng chậm trễ của cảnh sát Pháp và tại sao bạo lực xảy ra ở các khu vực Fanzone, dù có ít nhất 2 vòng kiểm soát an ninh ở mỗi địa điểm.

Không giống như Les Bleus, đội bóng cải thiện qua từng trận để đi tới trận chung kết và trở thành ứng viên hàng đầu cho chức vô địch, cảnh sát Pháp ngày càng tỏ ra mệt mỏi, khi giải đấu kéo dài trong 1 tháng sắp đến hồi kết. Bạo lực trên các con phố trung tâm Paris, xảy ra ngay sau chiến thắng của Pháp vượt qua Đức (2-0) tại bán kết, là bằng chứng cho thấy lực lượng chức năng của Pháp vẫn bị động trước các vụ việc. Sẽ chỉ còn một trận đấu nữa, và cũng là trận đấu quan trọng nhất của giải, không còn cách nào khác, người Pháp sẽ phải căng mình lên để hy vọng sẽ không có bất cứ sự cố đáng tiếc nào xảy ra.