Treo giò Văn Quân 11 trận, VFF dẫn luật thiếu thuyết phục?

ANTD.VN - Án treo giò 11 trận đối với cầu thủ Nguyễn Văn Quân (CLB Cần Thơ) có thể sẽ là tiền lệ xấu cho chính Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ở các vụ việc kế tiếp.

Như đã thông tin, ngày 2-4, Trưởng ban Kỷ luật VFF Vũ Xuân Thành đã ký quyết định phạt 20 triệu đồng và cấm thi đấu hết lượt đi giải hạng Nhất quốc gia 2019 (tương đương 11 trận) đối với cầu thủ Nguyễn Văn Quân của CLB Cần Thơ, sau pha đá phản lưới nhà ở trận gặp CLB Bình Phước, cách đó 3 ngày.

Thế nhưng ngay sau khi ban hành quyết định, Ban Kỷ luật VFF đã vấp phải sự phản ứng của Văn Quân và một bộ phận dư luận, khi cho rằng cách xử phạt của tổ chức này chưa thỏa đáng.

Từ một pha sút phản lưới nhà không được luật công nhận, Nguyễn Văn Quân (trái) bị cho "có biểu hiện tiêu cực" và treo giò tới 11 trận

Cụ thể, Ban Kỷ luật VFF căn cứ vào khoản 2 Điều 54 - Dàn xếp tỷ số, trận đấu, trong đó quy định: "Cầu thủ nào thi đấu không đúng khả năng của mình mà không có lý do chính đáng sẽ bị đình chỉ thi đấu một số trận đấu hoặc đến hết giải và bị phạt tiền tối thiểu 10 triệu đồng".

Ở đây có ba vấn đề, thứ nhất việc VFF áp quy định "Dàn xếp tỷ số, trận đấu", vô hình trung đã xem Nguyễn Văn Quân là đối tượng tình nghi bán độ, mà như cầu thủ này giãi bày là đang ảnh hưởng rất xấu đến cuộc sống của anh và gia đình.

Vụ việc của Nguyễn Văn Quân được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên khi chưa có kết luận cầu thủ này tiêu cực, án phạt của VFF không khiến người trong cuộc "tâm phục, khẩu phục".

Thứ hai, trường hợp Văn Quân sút phạt phản lưới nhà, theo luật, bàn thắng sẽ không được công nhận (và thực tế trọng tài đã chỉ cho CLB Bình Phước hưởng phạt góc). 

Một trung vệ 31 tuổi, nhiều năm đá V-League như Văn Quân chắc không ngô nghê bán độ (nếu có) bằng cú sút không được luật công nhận bàn thắng như thế.

Cuối cùng, đáng nói nhất là việc VFF căn cứ vào quy định "cầu thủ thi đấu không đúng khả năng của mình mà không có lý do chính đáng" để phạt Văn Quân 20 triệu đồng và treo giò 11 trận.

Quy định trên bị xem là thiếu thuyết phục, bởi chuyện cầu thủ thi đấu dưới sức (không đúng khả năng) là chuyện thường tình trong bóng đá, và trong nhiều trường hợp, bản thân cầu thủ và HLV trực tiếp huấn luyện cũng không thể lý giải được nguyên nhân sa sút phong độ.

Trong bóng đá, việc cầu thủ sút hỏng penalty, không đeo bám để đối phương ghi bàn, vô tình đưa bóng vào lưới trong một pha cản phá... là thường tình. Nhưng nếu căn cứ vào quy định trên, hoàn có có thể bị quy là "thi đấu không đúng khả năng của mình mà không có lý do chính đáng" và nhận án phạt như Nguyễn Văn Quân của CLB Cần Thơ.

Việc Văn Quân đá phản lưới nhà gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh giải đấu, điều này không phải bàn cãi và bản thân cầu thủ này, CLB chủ quản đều nhận trách nhiệm về mình. Tuy nhiên việc lý giải cầu thủ này "có biểu hiện tiêu cực" để treo giò tới nửa mùa giải rõ ràng thiếu thuyết phục.

Sâu xa hơn, vụ việc của Văn Quân có thể còn tạo tiền lệ xấu và làm khó chính Ban Kỷ luật VFF ở những vụ việc tương tự sau này. Bởi chỉ cần một cầu thủ đá dưới sức gây ảnh hưởng tới kết quả trận đấu, nếu chiếu theo vụ việc của Nguyễn Văn Quân, hoàn toàn có thể bị quy là "có biểu hiện tiêu cực" và treo giò dài hạn.