"Tranh cử bằng đề án cho thấy sự tiến bộ ở VFF"

ANTD.VN - Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh bày tỏ ủng hộ việc một số ứng viên chức danh chủ chốt Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa tới chuẩn bị sẵn đề án tranh cử, cho đây là tín hiệu tích cực.

Đại hội VFF khóa VIII dự kiến tổ chức đầu tháng 5 tới đang "nóng ran" với những tuyên bố của một số ứng viên, thể hiện quyết tâm tranh cử công khai và sòng phẳng.

Ông Cao Văn Chóng (ứng viên Phó chủ tịch truyền thông) cho rằng việc áp tiêu chí phải có đề án tranh cử buộc ứng viên phải nghiêm túc và có trách nhiệm hơn khi ứng cử. Còn ông Lương Hoàng Hưng (ứng viên Phó chủ tịch truyền thông) sẵn sàng tiết lộ một phần chương trình hành động của mình khi tranh cử, trong khi doanh nhân Trần Văn Liêng (ứng viên Phó chủ tịch tài chính) thậm chí còn tuyên bố sẽ tổ chức họp báo để công khai đề án tranh cử của mình.

Ứng viên Phó chủ tịch truyền thông VFF Trần Văn Liêng tuyên bố sẽ công khai chương trình hành động và tranh cử sòng phẳng với các ứng viên khác

Ở góc độ người quan sát đồng thời là thành viên ban chấp hành VFF nhiều nhiệm kỳ qua, Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh đánh giá việc có nhiều ứng viên cùng tranh cử một vị trí, cũng như việc ứng viên chuẩn bị chương trình hành động kỹ lưỡng là tín hiệu tốt cho đại hội VFF và bóng đá Việt Nam nói chung.

"Chương trình hành động sẽ cho thấy năng lực, sự dũng cảm và bản lĩnh của ứng viên, đồng thời cũng là cơ sở để giám sát hành động, cam kết của ứng viên sau khi trúng cử", ông Thanh phân tích, đồng thời ủng hộ quan điểm của một ứng viên rằng "sẵn sàng từ chức nếu làm việc không hiệu quả để nhường vị trí này cho người có năng lực hơn".

Chủ tịch SLNA Nguyễn Hồng Thanh ủng hộ việc ứng viên tranh cử sòng phẳng bằng chương trình hành động

Việc ứng viên chức danh chủ chốt VFF cần có đề án tranh cử từng được đề cập trước đại hội VFF khóa trước, rất được hoan nghênh nhưng sau đó mau chóng rơi vào quên lãng khi các vị trí chủ tịch, phó chủ tịch đa số chỉ có một ứng viên và dễ dàng "một mình một ngựa" về đích.

"Chương trình hành động sẽ cho thấy năng lực, bản lĩnh, đồng thời là cơ sở để giám sát hành động, cam kết của ứng viên sau khi trúng cử" - Chủ tịch SLNA Nguyễn Hồng Thanh.

Còn tại cuộc Đối thoại phát triển bóng đá Việt Nam tổ chức tháng 1-2018 tại Hà Nội, trước ý kiến đề nghị các ứng viên Chủ tịch VFF phải có đề án tranh cử và trình bày trước đại hội nhiệm kỳ, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng đứng lên phát biểu cho rằng đó là góp ý rất hay và "hứa sẽ tiếp thu".

Lời hứa của đại diện ngành thể thao được nói ra trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu có uy tín trong ngành được mời tham dự hội nghị đó. Tuy nhiên cho tới thời điểm này, tiêu chí "phải có đề án tranh cử" chưa được áp dụng.

Cũng vì không bắt buộc phải có đề án tranh cử, nên thay vì tập trung vào việc xây dựng chương trình hành động khi trúng cử, phô diễn năng lực và cạnh tranh sòng phẳng, một số ứng viên chọn cách chơi chiêu để hạ uy tín đối thủ, hoặc liên kết lợi ích nhóm để loại đối thủ khỏi cuộc cạnh tranh trước thềm đại hội.