TP.HCM xin đăng cai SEA Games 2021 với kinh phí dự kiến 15.600 tỉ đồng

ANTD.VN - SEA Games 2021 dự kiến có sự tham dự của 11 đoàn thể thao Đông Nam Á với khoảng 9.800 người, tổ chức từ 30-36 môn thi. Đây là lần thứ 2 sau 18 năm, Việt Nam được chọn là quốc gia đăng cai.

Theo quy tắc luân phiên nước chủ nhà, SEA Games lần thứ 31 năm 2021 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Hai địa phương là Hà Nội và TP.HCM được cân nhắc để chọn làm địa phương chính đăng cai đại hội.

Với Thủ đô Hà Nội, thuận lợi chính là cơ sở vật chất sẵn có với khu phức hợp thể thao Mỹ Đình, sân vận động Hàng Đẫy cùng chuỗi các nhà thi đấu thể thao vệ tinh xung quanh. Trong khi đó, nếu chọn TP.HCM, kinh phí đầu tư sẽ lớn hơn song sẽ là cơ hội thuận lợi để mở rộng, phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng và nâng cao thành tích thể thao không chỉ của thành phố mà cả khu vực phía Nam.

Phối cảnh sân vận động và Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc  (ảnh Sở VH-TT TP.HCM)

Tại phiên chất vấn Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa IX vào đầu tháng 12-2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết địa phương này đang chuẩn bị đề án xin đăng cai SEA Games 31 vào năm 2021, đồng thời Đề án tổ chức SEA Games 31 đã được báo cáo để Ban thường vụ Thành ủy cho ý kiến.

Ngày 20-12 vừa qua, Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM đã thống nhất chủ trương về việc TP.HCM xin đăng cai. Trên cơ sở này, UBND TP.HCM sẽ báo cáo với Chính phủ để xin đăng ký TP.HCM tổ chức SEA Games năm 2021.

Theo đề án đăng cai SEA Games 31 của TP.HCM, tổng kinh phí dự kiến khoảng 15.600 tỉ đồng, bao gồm các khoản chi như đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho toàn khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc (180,731 hecta) và kinh phí chi trực tiếp để đăng cai SEA Games 31.

Dự toán chi trực tiếp cho việc đăng cai tổ chức SEA Games 31 vào khoảng 7.476 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao là 6.571 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố và địa phương phối hợp (tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai) chi 1.466 tỉ đồng, còn lại 5.105 tỉ đồng được huy động từ nguồn đầu tư xã hội hóa.

Hà Nội từng đăng cai tổ chức SEA Games 2003

Từ nay tới khi SEA Games 31 diễn ra (dự kiến tháng 8-2021) chỉ còn chưa đầy 4 năm. Nếu TP.HCM được chọn làm địa phương đăng cai sẽ phải giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ để chạy đua với thời gian.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: "Chúng tôi đang chỉ đạo ráo riết chuẩn bị các công trình và cơ sở vật chất, kỹ thuật để đề án này được triển khai trong thực tế". Về xây dựng Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đang có rất nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào khu này và dự án đang khởi động khá tốt.

Đề án đăng cai SEA Games của TP.HCM ưu tiên việc sử dụng chủ yếu nguồn đầu tư xã hội, giảm chi phí đầu tư ngân sách. Đồng thời, TP.HCM sẽ kết hợp liên kết sử dụng cơ sở vật chất thể thao sẵn có của thành phố và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để tổ chức.

Về địa điểm ăn ở cho VĐV dự SEA Games, để tiết giảm chi phí dự kiến TP.HCM sẽ không xây làng VĐV. Thay vào đó sẽ bố trí cho các thành viên dự đại hội ở tại khách sạn trong địa bàn và tỉnh Bình Dương để tiết kiệm chi phí. 

Trước đó vào đầu năm 2017, cả Hà Nội và TP.HCM cùng chạy đua đăng cai SEA Games 2021. Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT (Bộ VH-TT&DL), khi đó cho biết ngành đang đợi dự án đăng cai của Hà Nội và TP.HCM, sau đó tiến hành xem xét một cách cẩn trọng dự án nào mang tính khả thi, tiết kiệm nhất để trình Chính phủ phê duyệt.