Thủ thành Bùi Tiến Dũng bắt bóng 'lập bập': Chê hay... bỏ qua?

ANTD.VN - Một trong những chi tiết tâm điểm ở trận cầu căng thẳng giữa đội tuyển U22 Việt Nam và U22 Indonesia diễn ra hôm 1-12-2019 chính là tình huống bắt bóng "lập bập" của thủ thành Bùi Tiến Dũng, khiến đội tuyển của chúng ta bị thủng lưới trước. Chi tiết này đã khơi mào cho những cuộc tranh luận nảy lửa sau đó, giữa một bên "chê" và bên còn lại là "bỏ qua mà nhìn về... quá khứ". Vậy rốt cuộc thì bên nào... đúng?

Trước trận cầu căng thẳng giữa đội tuyển U22 Việt Nam và U22 Indonesia trong khuôn khổ vòng bảng của môn bóng đá nam tại SEA Games 30, như một "điềm" báo... ngược, người ta thấy dòng tiêu đề của một bài báo ghi là "Bùi Tiến Dũng hứa giữ sạch lưới, giúp U22 Việt Nam thắng Indonesia". Sở dĩ gọi là "điềm báo" ngược, bởi bức hình minh họa cho bài báo này là hình ảnh thủ thành Bùi Tiến Dũng nhảy lên bắt bóng.

Pha nhảy lên bắt bóng bổng "lập bập" của thủ thành Bùi Tiến Dũng đã mang tới cơ hội không thể tốt hơn cho đối thủ. Ảnh: VNN

Hình ảnh đó được tái hiện gần như chính xác ở phút thứ 23 của trận đấu, khi Bùi Tiến Dũng nhảy cao bắt bóng sau pha tạt từ cánh của cầu thủ Indonesia. Bóng đi căng, xoáy khiến pha bắt bóng này trở nên lập bập, bóng văng ra và cầu thủ đối phương lập tức lao vào trừng phạt sai lầm của thủ môn Việt Nam.

Lập tức, trong và sau trận đấu, pha bóng trên đã trở thành một trong những chi tiết tâm điểm gây nhiều tranh cãi. Cũng đúng thôi, bởi sau bàn thua đen đủi do sơ suất cá nhân đó, cục diện trận đấu đã thay đổi hẳn, khi 2 bên thay đổi chiến thuật, mọi toan tính trở nên quay ngoặt 180 độ.

Những người tranh cãi chia ra làm 2 "phe": Một bên chỉ trích nặng nề nhắm vào thủ môn vốn ngày càng có nhiều pha bắt bóng lập bập (trong trận đấu, ngoài tình huống để thua, Bùi Tiến Dũng còn có pha xử lý "thót tim" có thể dẫn tới bàn thua); Bên còn lại thì cho rằng "ai cũng có thể mắc sai lầm", và họ nhắc lại trận cầu "Thường Châu tuyết trắng" để mọi người khỏi quên những lời ca tụng có cánh ngày nào dành cho anh.

Vậy bên nào có lý, có tình hơn?

Không phải tới bây giờ, người ta mới thấy thủ thành của tuyển U22 Việt Nam có những pha bắt bóng lập bập "toát mồ hôi". Ảnh: TTXVN

Người viết cho rằng, với một cái đầu tỉnh táo và khách quan, thì tình huống trên không tới mức phải dẫn đến những cuộc tranh luận nảy lửa như vậy.

Trước hết, với một pha xử lý lỗi dẫn tới bàn thua cho đội nhà, trong một trận cầu quan trọng và căng thẳng, thì cầu thủ mắc lỗi phải hứng chịu sự chỉ trích, phê bình của dư luận là điều... hiển nhiên trong bóng đá. Hãy nhìn ra mọi giải đấu chuyên nghiệp mà chúng ta quen thuộc như Ngoại hạng Anh chẳng hạn, hay các giải World Cup, EURO để thấy rằng, việc một HLV, cầu thủ hay thủ môn được ca tụng lên mây xanh sau khi giành chiến thắng, rồi ngay sau đó lại bị "nhấn chìm" trong những lời chỉ trích khi mắc sai lầm trong thất bại kế tiếp, là điều hết sức bình thường.

Đã tham gia một "cuộc chơi" giàu cảm xúc như môn thể thao vua, thì đây rõ ràng là điều không hề mới để phải tranh cãi!

Nhưng, phê bình hay chỉ trích là điều dễ hiểu, thì chế giễu, xúc phạm lại là hành động không thể chấp nhận được, đặc biệt trong môi trường thể thao vốn luôn đề cao tinh thần đẹp. Một số người đã để cảm xúc chi phối vượt qua sự tỉnh táo của tư duy, dẫn tới những lời nói "xấu xí" nhắm vào Bùi Tiến Dũng thì đó chắc chắn là điều không thể chấp nhận được!

Nhờ pha ghi bàn xuất thần và đẹp mắt của Hoàng Đức, đội tuyển U22 Việt Nam đã giành chiến thắng nghẹt thở. Ảnh: VnExpress

Trong khi đó, bên "bênh vực" thủ thành của tuyển U22 Việt Nam lại tỏ ra "trọng tình hơn lý", khi họ liên tục nhắc lại quá khứ vẻ vang "Thường Châu tuyết trắng" của đội tuyển U23 Việt Nam năm xưa, với sự xuất sắc của thủ môn Bùi Tiến Dũng khi đó.

Cần nhớ rằng, mỗi vị trí trên sân được lựa chọn dựa trên phong độ, khả năng thích nghi chiến thuật của HLV... chứ không phải dựa vào quá khứ!

Sự lập bập khi bắt bóng của Bùi Tiến Dũng đã xuất hiện nhiều lần trong thời gian qua, khi thủ thành này chơi ở CLB, hay như ngay ở giải đấu hiện tại. Do vậy, nhắc về "Thường Châu tuyết trắng" là để ôn kỷ niệm, chứ không thể coi là lý do để bỏ qua những dấu hiệu sụt giảm phong độ lúc này.

Bất kỳ sai lầm nào trong một trận cầu căng thẳng cũng có thể phải trả giá bằng những bàn thua đau đớn, khiến CĐV "không phục" và luôn cảm thấy ức chế. Những bàn thua đó có thể quyết định số phận của một trận đấu, hay thậm chí... cả giải đấu của đội bóng.

Giữ vững bản lĩnh và cải thiện phong độ là điều Bùi Tiến Dũng cần làm nhất lúc này

Vậy nên, sau trận cầu "hú vía" tối qua, người ta thấy phục nhất là HLV Park Hang-seo, khi ông đứng ra bảo vệ học trò trước sự chỉ trích của dư luận. Nhưng nói gì thì nói, chắc chắn HLV Park sẽ biết phải làm thế nào ở vị trí trấn giữ khung thành đó, bởi mục tiêu của ông luôn là hướng tới chiến thắng ở mỗi trận đấu.

Vì vậy, nếu trong các trận cầu sau, người ta thấy Bùi Tiến Dũng chói sáng ở cầu môn, hoặc chấp nhận ngồi dự bị, thì tất cả đều rất... bình thường. Thi đấu bóng đá là câu chuyện của phong độ, bản lĩnh, sự phù hợp trong sơ đồ chiến thuật của HLV, chứ không phải chuyện của một "cái danh" nào đó, dù rất vẻ vang và đáng nhớ!