Thể lực hạn chế: Kìm hãm mục tiêu vươn tầm châu lục

ANTĐ - Thể lực hạn chế của cầu thủ Việt Nam lần lượt được các ông thầy người Nhật chỉ ra như một nguyên nhân kìm hãm mục tiêu vươn tầm châu lục của bóng đá Việt. Khắc phục điểm yếu này từng được đặt ra từ cách đây 2 thập kỷ như một đòi hỏi cấp thiết nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều khởi sắc.

Thể lực hạn chế: Kìm hãm mục tiêu vươn tầm châu lục ảnh 1Các trợ lý, tuyển thủ U23 vất vả “nuốt trọn” giáo án thể lực dành cho cầu thủ mà HLV Miura áp dụng. Ảnh: BẢO LÂM

Những viên gạch đầu tiên

Trước thềm SEA Games 1995, ngay khi nhậm chức HLV trưởng ĐT Việt Nam, ông Weigang đã đề xuất cho đội đi tập huấn châu Âu và được VFF đồng ý. Có mặt trong chuyến đi đó với tư cách HLV phó đội tuyển, ông Trần Duy Long, kể: “Ngày đó toàn đội bị gò tập thể lực rất nặng, lại phải liên tục di chuyển, đá giao hữu mật độ dày đặc 3 ngày/trận nên có nhiều lúc tưởng chừng như không chịu nổi”. Nhưng với cách tập nặng như vậy, thể lực toàn đội tiến bộ rõ rệt.

Cùng năm đó, ĐT Việt Nam đón HLV ngoại khác là ông Edson Tavares. Ông thầy người Brazil cũng mau chóng nhận ra điểm yếu thể lực của các cầu thủ Việt. Ngoài những bài nhồi thể lực mà trợ lý người Việt khi xem luôn sợ cầu thủ sẽ quá tải, trước mỗi trận đấu, ông Tavares đều phát cho học trò những viên thuốc màu xanh để tăng lực. Và nhờ viên thuốc đó mà cầu thủ chạy băng băng suốt trận không thấy mệt. Nhiều người sau đó nghi ngờ những viên thuốc của ông Tavares có chứa doping nhưng ở lần trở lại Việt Nam năm 2004, ông thầy người Brazil tiết lộ những viên thuốc đó chỉ là vitamin tổng hợp nhưng đóng vai trò liều thuốc tinh thần giúp cầu thủ tự tin hơn vào thể lực của mình.

Đáng tiếc sau 2 thập kỷ kể từ những viên gạch móng của 2 ông thầy ngoại, vấn đề thể lực vẫn là điểm yếu cố hữu kìm hãm mục tiêu vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân khiến cuộc “cách mạng thể lực cầu thủ Việt” vẫn giậm chân suốt 20 năm qua được chỉ ra, từ thể trạng người Việt thấp bé  đến chế độ dinh dưỡng thiếu thốn, chưa khoa học nhưng trên hết là sự xem nhẹ trong tư duy làm bóng đá của giới quản lý lẫn nhận thức của cầu thủ. 

Tụt hậu về tư duy

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mới đây chia sẻ rằng mỗi lần công cán tại các tổ chức bóng đá quốc tế, ông đều dành thời gian để thu lượm những tiến bộ mới của bóng đá thế giới. Từ đó, ông Dũng đưa ra một phát biểu đáng suy ngẫm: “Hầu hết các HLV ở Việt Nam đều chậm cập nhật các tiến bộ khoa học, chiến thuật của bóng đá hiện đại. Nếu chỉ áp dụng công nghệ huấn luyện của thập niên 90 của thế kỷ trước thì làm sao bóng đá Việt khá hơn được”.

Sự tụt hậu về tư duy, hay chậm cập nhật tiến bộ khoa học khiến nhiều người cảm thấy mới mẻ với sự xuất hiện của các HLV thể lực, bác sỹ trị liệu người Nhật trên tuyển quốc gia, hay lạ lẫm trước những bộ máy đo, máy tập thể lực có giá nhiều tỷ đồng mà ông Đoàn Nguyên Đức mua về để giúp cầu thủ cải thiện thể lực sau khi nhận ra đây là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của ĐT Việt Nam trước các đại diện của châu Á. Bên cạnh máy móc hiện đại, ông “bầu” phố Núi còn thuê hẳn chuyên gia thể lực “xịn” người Pháp và đặt ra yêu cầu trong khoảng thời gian nhất định phải giúp lứa Công Phượng chạy được 11-12km/trận, ngang với cầu thủ ở giải Ngoại hạng Anh. 

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải cho rằng mục tiêu đó khó có thể đạt được (với lứa Công Phượng, Tuấn Anh) nhưng rất đề cao và ủng hộ quyết tâm cải thiện thể lực bằng tiến bộ khoa học của “bầu” Đức. “Tôi rất vui và lạc quan khi có một ông “bầu” biết chú trọng và đầu tư thật sự để cải thiện thể lực cho cầu thủ. Điều đó đáng để các CLB và cả VFF phải suy ngẫm”, ông Vũ Mạnh Hải nói.

Chuyên gia Nhật ngán ngẩm thể lực cầu thủ Việt

Trưởng giải Tanaka Koji từng đưa ra một con số đáng chú ý, đó là cầu thủ V-League chỉ chạy 5,6km/trận, bằng một nửa so với cầu thủ ở Ngoại hạng Anh. Trong khi HLV trưởng ĐTQG nữ - Takashi, sau 3 ngày theo dõi giải VĐQG đã đưa ra nhận định xác đáng: “Cầu thủ nữ Việt Nam có kỹ thuật, kỹ năng chơi bóng giỏi nhưng sức mạnh, thể lực và sức bền là điểm yếu. Nếu không khắc phục được thì rất khó để bóng đá nữ Việt Nam trở thành một đội bóng mạnh của châu lục”. Còn HLV trưởng ĐTQG nam – Toshiya Miura thì rất nhiều lần phàn nàn về thể lực của các học trò và bài tập xuyên suốt giáo án mà ông áp dụng ở đội tuyển là tập thể lực.