Sướng như… tuyển thủ bóng bàn trẻ Việt Nam

ANTD.VN - Trong khi nhiều đội tuyển khác phải “thắt lưng buộc bụng”thì tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Việt Nam vẫn đều đặn hàng năm được đi tập huấn quốc tế, trang bị đầy đủ quần áo, dụng cụ tập luyện chuyên nghiệp, cuối tháng được đi dã ngoại, ăn nhà hàng… 

VĐV có thể thay... 10 bộ quần áo/ngày

Ăn mặc tưởng như là chuyện nhỏ nhưng thực tế lại là vấn đề rất bất cập với VĐV ở nhiều môn đỉnh cao. Đặc thù của môn bóng bàn là hoạt động với tần suất cao trong thời điểm ngắn, cơ thể VĐV liên tục đổ mồ hôi, vì vậy phải liên tục thay đổi áo nhằm tạo cảm giác thoải mái nhất trong tập luyện, thi đấu.

Trong bối cảnh kinh phí eo hẹp, theo chế độ ngành thể thao thì mỗi VĐV tuyển trẻ bóng bàn chỉ có 3-4 bộ quần áo/năm, không đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động thể thao chuyên nghiệp.

Các tuyển thủ bóng bàn trẻ quốc gia được trang bị đầy đủ trang phục, dụng cụ phục vụ tập luyện và thi đấu chuyên nghiệp...

Tuy nhiên, nhờ ban huấn luyện “khéo” kêu gọi tài trợ mà mỗi tuyển thủ trẻ có tới 70 bộ quần áo, được chia đều theo 7 ngày khác nhau trong tuần, mỗi ngày 10 bộ.

“Ngoài áo tập, VĐV còn được trang bị đồng phục khi dã ngoại, thi đấu quốc tế hay khi cử hành nghi lễ để tạo hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt bạn bè quốc tế. Tất cả đều đến từ nguồn xã hội hóa”, HLV trưởng tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà – người góp công lớn trong việc mang về hơn 300 triệu đồng tiền tài trợ mỗi năm cho đội - tự hào “khoe” chi tiết hiếm thấy ở các tuyển trẻ khác.

Theo ông Hà, cũng nhờ có nguồn tài trợ ổn định mà 3 năm liền, các tuyển thủ bóng bàn trẻ được đi Thượng Hải - Trung Quốc tập huấn, một số VĐV năng khiếu có suất thi đấu, cọ xát nhiều giải quốc tế - điều vốn xa xỉ với VĐV nhiều đội tuyển trẻ khác, thậm chí ngay cả với một số ĐTQG vì không có kinh phí. 

...giúp họ yên tâm tập luyện và cống hiến

Chuẩn mực từ "đường ăn, nết ở"

Hiếm có đội tuyển trẻ nào được trang bị và huấn luyện phong cách chuyên nghiệp như các tuyển thủ bóng bàn trẻ quốc gia. Bởi ngoài quần áo, dụng cụ tập luyện được trang bị đầy đủ, VĐV còn được ban huấn luyện uốn nắn cả những tác phong sinh hoạt đời thường.

HLV trưởng Bùi Xuân Hà quan niệm, các VĐV còn trẻ, được gia đình tin tưởng gửi gắm lên tuyển thì các thầy ngoài dạy chuyên môn phải có trách nhiệm giúp các cháu hoàn thiện về nhiều mặt khác nữa. Cũng bởi vậy mà từ cách đi cầu thang máy sao cho văn minh, tuân thủ các nội quy khu nội trú sao cho nghiêm chỉnh… được các thầy truyền dạy và giám sát chặt việc thực hiện của trò.

HLV Bùi Xuân Hà (đứng giữa) vui chơi cùng học trò sau buổi tập sáng

"VĐV thể thao đỉnh cao thường phải tập luyện rất nhiều, kéo theo những mệt mỏi và nhu cầu thư giãn, giải trí là đòi hỏi thiết thực để các cháu cân bằng cuộc sống. Nắm bắt tâm lý đó, hàng tháng, ban huấn luyện đưa các cháu đi xem phim, tham quan bảo tàng, dã ngoại… Lâu lâu có thể cho các cháu đi ăn buffett, nhà hàng sang trọng một chút để không chỉ tăng hưng phấn, thêm kiến thức ẩm thực mà còn giúp các cháu hiểu biết về văn hóa, lễ nghi khi ăn tiệc, để không bị bỡ ngỡ khi giao lưu quốc tế. Đó không chỉ là chuyện ăn uống mà còn thể hiện trình độ, phông văn hóa của VĐV Việt Nam khi đại diện cho quốc gia ở môi trường quốc tế", HLV Bùi Xuân Hà chia sẻ.

Có một điều giúp đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam khi ra nước ngoài thi đấu thêm phần tự tin, đó là hầu như mỗi thành viên đều có trong tay vài trò ảo thuật đường phố học được từ một ảo thuật gia hàng đầu Việt Nam vốn rất yêu bóng bàn.

"Các giải quốc tế ngoài thi đấu còn có màn giao lưu giữa các quốc gia tham dự. Các đội góp vui bằng hát, múa, khiêu vũ thể thao… riêng tuyển trẻ Việt Nam chúng tôi biểu diễn ảo thuật gây bất ngờ và thích thú với bạn bè quốc tế. Cũng nhờ “phương thức giao lưu” này mà VĐV chúng ta thêm tự tin trong thi đấu lẫn giao tiếp", HLV phó Trần Minh cho hay. 

Sau giờ tập luyện mệt mỏi, các VĐV tuyển trẻ bóng bàn cùng thi biểu diễn ảo thuật tại khu nội trú trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh)

“Nhiều phụ huynh chưa tin tưởng vào tương lai con em mình”

Tuyển bóng bàn trẻ quốc gia hiện đang tập trung 12 VĐV từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, lứa tuổi từ 13-18. Họ vào nghề từ 5-6 tuổi, vượt qua hàng nghìn tài năng khác để được vào tuyển trẻ, kế đó là cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành suất lên ĐTQG và phải qua rất nhiều trui rèn khác may ra mới có 1 VĐV thành danh. Con đường tới thành công của VĐV bóng bàn gian nan và không ít rủi ro. 

Trong khi trên thực tế, chính sách đào tạo, thu hút, đãi ngộ VĐV Việt Nam nói chung và ở bóng bàn nói riêng còn rất hạn chế. “Nhiều phụ huynh vẫn chưa tin tưởng vào tương lai con em họ sau này. Vì vậy, phải làm sao để họ nhìn thấy những gì được thụ hưởng khi cống hiến cho bóng bàn”, HLV trưởng Bùi Xuân Hà trăn trở - “Có thực mới vực được đạo, VĐV phải có động lực mới thôi thúc họ nỗ lực và cống hiến hết khả năng. Chúng ta phải lo cho VĐV, khi họ rời phòng tập bóng bàn họ không phải nghĩ tới cơm áo gạo tiền”.

Ba mục tiêu quan trọng nhất năm 2018 của đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam là giải trẻ quốc gia vào tháng 5, giải trẻ Đông Nam Á tháng 6 tại Philippines và Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á cuối tháng 7 tại Malaysia.