Sân chơi phong trào lấn át chuyên nghiệp

ANTĐ - Trong bối cảnh người hâm mộ dần mất niềm tin, thờ ơ với các giải bóng đá chuyên nghiệp thì không khí sôi nổi, đầy ắp cảm xúc tại sân chơi phong trào khiến các nhà tổ chức chuyên nghiệp phải suy nghĩ làm thế nào để có được hình ảnh đó.
Sân chơi phong trào lấn át chuyên nghiệp ảnh 1

Sân bóng “phủi” luôn đầy ắp khán giả - hình ảnh mà các nhà tổ chức giải chuyên nghiệp luôn mong mỏi có được


Chuyên nghiệp hóa giải phong trào

Mùa thứ ba tổ chức, giải Bóng đá Ngoại hạng Hà Nội (HPL) tiếp tục trở thành sân chơi thu hút người hâm mộ bóng đá Thủ đô bởi những giá trị chuyên môn và đặc biệt là giá trị tinh thần mà nó mang lại. Ở đó, người ta được chứng kiến những cầu thủ chuyên nghiệp như Thành Lương, Văn Quyết, Quốc Long, cựu tuyển thủ Đặng Phương Nam, Quốc Vượng hay những nghệ sỹ như diễn viên hài Thành Trung, ca sỹ Tuấn Hưng... ra sân thi đấu cùng các cầu thủ nghiệp dư nhưng không hề có khoảng cách hay ranh giới nào, chỉ có sự hết mình với niềm đam mê trái bóng tròn. 

Và quan trọng hơn, đến với giải, khán giả được xem những trận đấu thật, không có bán độ, móc ngoặc như những gì mà người ta từng chứng kiến hoặc buộc phải đặt dấu hỏi như với một số trận đấu ở V-League, hạng Nhất. Điều đó lý giải vì sao mỗi dịp cuối tuần, người hâm mộ ùn ùn kéo tới sân bóng “phủi” nằm xa tít tận ngoại thành, chấp nhận đội nắng mưa, đứng ngồi chen chúc mà “bỏ rơi” sân Hàng Đẫy nằm giữa Thủ đô đang diễn ra giải đấu mang danh chuyên nghiệp. 

Thực hiện tiêu chí “chuyên nghiệp hóa giải phong trào”, từ mùa 2014, ban tổ chức giải HPL đã áp dụng công nghệ vào giải như ghi hình trực tiếp và phát video tổng hợp các trận đấu trên mạng internet - trong khi phải tới mùa 2015, ban tổ chức V-League mới bắt đầu thực hiện; hay thuê các trọng tài hàm FIFA điều khiển để đảm bảo tính công bằng cao nhất cho giải. Nhưng điều đáng ghi nhận hơn cả là việc theo đuổi tiêu chí: “Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng” và đề cao ý thức tự giác của người tham gia, tức là chuyên nghiệp từ trong ý thức. Nó khác xa với những hình ảnh chơi thô bạo, phản ứng, đuổi đánh trọng tài vẫn xảy ra ở V-League hay hạng Nhất đang dần “phong trào hóa giải chuyên nghiệp”.

Xoay trục chiếc kim tự tháp ngược

Chuyên gia Vũ Mạnh Hải từng ví von: “Bóng đá Việt Nam như chiếc kim tự tháp ngược”, để nói về mô hình không giống ai của các giải chuyên nghiệp quốc gia khi V-League có 14 đội tham dự nhưng hạng Nhất chỉ có vỏn vẹn 8 đội. Ông Hải phân tích: “Các nền bóng đá phát triển của thế giới hay châu lục đều lấy bóng đá học đường và bóng đá phong trào làm nền móng. Tiếc là với bóng đá Việt Nam, hai yếu tố này đều không được giới quản lý quan tâm đúng mức”. Từ lập luận này, người lăn lộn hơn 50 năm cùng bóng đá Việt Nam cho rằng, những giải phong trào như HPL hay giải bóng đá học đường U13 do Công ty Yamaha Motor Việt Nam vừa tổ chức là rất cần thiết để gia cố chiếc móng của nền bóng đá.

 

Những ngày tháng 6 vừa qua, giải bóng đá U13 bóng đá học đường đã được tổ chức trên toàn quốc. Không khí vui tươi, hào hứng của cả cầu thủ lẫn các bạn học sinh, phụ huynh ngồi kín trên các khán đài hò reo, cổ vũ là hình ảnh xuyên suốt, cho thấy sức hút và sự thành công của giải. Đây là lần đầu tiên, một giải bóng đá dành cho học sinh U13 toàn quốc được tổ chức chuyên nghiệp theo mô hình của Nhật Bản, được Công ty Yamaha Motor Việt Nam áp dụng.

HLV Lưu Danh Minh - thành viên Hội đồng chuyên môn giải chia sẻ: “Nhiều năm qua, ĐTQG Việt Nam khi đấu giao hữu, thành tích cũng chỉ ngang ngửa, thậm chí thua các đội bóng sinh viên của Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều đó cho thấy các quốc gia này đã phát triển bóng đá học đường rất tốt và đang hưởng lợi từ hướng đi đúng này. Hy vọng không chỉ những nhà quản lý bóng đá mà cả những nhà làm giáo dục cũng sẽ quan tâm hơn tới việc phát triển bóng đá học đường. Chỉ khi bóng đá phát triển rộng rãi, ăn sâu vào máu các cầu thủ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì chúng ta mới có thể hy vọng vào một ĐTQG khỏe mạnh trong tương lai”.

U13 Yamaha Việt Nam ghi dấu ấn tại Nhật Bản
15 cầu thủ đội U13 Yamaha Việt Nam được tuyển chọn từ Festival bóng đá học đường 2015 đang có chuyến du đấu bổ ích và lý thú tại Nhật Bản. Đội đã thi đấu giao hữu thắng U14 Azul Claro Mist 3-1, thắng U12 Azul Claro Mist 7-0 và thua 0-2 trước tuyển U14 Azul Clazo Izu. Theo kế hoạch, tối nay 21-8, toàn đội sẽ về nước, kết thúc chuyến du đấu kéo dài 5 ngày.