Rào cản cầu thủ nhập tịch khoác áo ĐT Việt Nam

ANTD.VN - Bóng đá Việt Nam đang có nhiều cầu thủ chất lượng vừa được nhập quốc tịch, đủ điều kiện để khoác áo ĐTQG, nhưng có rất nhiều rào cản khiến họ khó có thể thực hiện được nghĩa vụ này.

Đinh Hoàng Max (trái) là cầu thủ da màu đầu tiên từng khoác áo ĐT Việt Nam

Dấu hỏi cho khát vọng

Hầu hết các cầu thủ ngoại sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam, đều phát biểu gần giống nhau, rằng “Tôi muốn cống hiến hết mình cho ĐTQG”. Tuy nhiên, khát vọng được thể hiện qua vài câu nói là không đủ. Điều đó cần phải được chứng minh bằng cả một quá trình luyện tập và thi đấu. Vậy nhưng, hầu hết các ngoại binh nhập tịch đều tỏ ra đuối sau một thời gian thử thách.

Điển hình như Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max hay Huỳnh Kesley trước đây. Khi sang Việt Nam, các cầu thủ ngoại đặt mục tiêu kiếm tiền lên đầu tiên. Việc các CLB nhập tịch cho họ cũng trước hết để đảm bảo lợi thế về mặt ngoại binh so với các đội bóng khác. Nên yếu tố “khát vọng” của các cầu thủ nhập tịch với ĐTQG vẫn sẽ mãi là vấn đề khó giải quyết.

Mối lo về bản sắc

Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn từng có phát biểu rất “mở” về vấn đề gọi cầu thủ nhập tịch lên tuyển, khi cho rằng: “Gọi cầu thủ nhập tịch là xu thế chung, rất nhiều quốc gia Đông Nam Á đang làm như vậy và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này”. Tuy vậy, chính ông Tuấn, trong một phát biểu khác, lại cho rằng bản sắc là yếu tố cần giữ gìn hơn cả. “Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một đội tuyển bóng đá Việt Nam có bản sắc”. 

Rõ ràng, đây là hai phát biểu đầy mâu thuẫn. Nhưng ý sau của ông Tuấn lại nhận được nhiều ý kiến tán đồng. Người ta cho rằng những cầu thủ ngoại được gọi vào ĐTQG chỉ khoác áo trong 2-3 năm, sẽ khiến yếu tố bản sắc của đội tuyển trở nên không rõ ràng. Đây cũng là lý do vì sao Hoàng Vũ Samson của Hà Nội FC không được đoái hoài tới trong thời gian qua. “Tôi nghĩ cầu thủ nhập tịch chưa đủ thấm văn hóa Việt Nam để có thể khoác áo ĐTQG. Nếu chạy theo thành tích trước mắt mà gọi cầu thủ nhập tịch thì là điều không nên”, một quan chức VFF nói.

Khả năng hòa nhập

Những ngôi sao gốc ngoại ở CLB có thể hòa nhập với môi trường xung quanh rất tốt, nhưng khi lên ĐTQG thì lại là cả một vấn đề. Ai cũng biết mỗi đội tuyển đều có các nhóm cầu thủ thân nhau, nâng đỡ nhau trên sân cỏ và ngoài cuộc sống. Nếu không thuộc nhóm này, hay thậm chí bị ghét, thì trên sân, bóng ít khi được chuyền tới cầu thủ đó. Đây là điều mà cầu thủ gốc Việt Lee Nguyễn từng nếm trải khi còn thi đấu tại V-League. 

Văn hóa ngoài sân cỏ

Ở Việt Nam, các cầu thủ chỉ chứng minh được tài năng là chưa đủ, mà văn hóa cũng như phong cách sinh hoạt ngoài đời cũng ảnh hưởng rất lớn đến con đường thành công của họ. Cầu thủ nội bị “soi” một, thì các ngoại binh nhập tịch nếu lên tuyển còn bị “soi” gấp mười. Lối sống phóng khoáng của phương Tây khi về Việt Nam thường bị coi là buông thả và phản cảm.

Nhiều cầu thủ ngoại đi bar, hút thuốc và uống rượu được coi như chuyện vặt, nhưng ở Việt Nam, chuyện này không hề bình thường. Chính cái nhìn khắt khe này khiến cho các cầu thủ nhập tịch càng có ít hơn cơ hội được khoác lên mình màu áo đội tuyển mà trên danh nghĩa, là quê hương thứ hai của họ.