Quang Hải xuất ngoại và "vết xe đổ" của Công Phượng, Xuân Trường

ANTD.VN - Chuyện Quang Hải có hay không nên xuất ngoại được bàn tán rôm rả những ngày qua và người ta cũng không quên nhắc lại trường hợp của đồng đội Công Phượng, Xuân Trường như một tham khảo cho tiền vệ đội Hà Nội.

Chuyện Quang Hải được các đội bóng nước ngoài chào mời là chuyện có thật, sau màn trình diễn ấn tượng của tiền vệ 21 tuổi này tại VCK U23 châu Á và ASIAD 2018. Điều này được chính lãnh đạo CLB Hà Nội xác nhận, trong khi bản thân Quang Hải cũng bày tỏ mong muốn sẽ được ra nước ngoài thi đấu.

Vấn đề là Quang Hải có đủ sức và thời điểm này có thích hợp xuất ngoại hay không?

Hình ảnh Công Phượng phát tờ rơi tại ga tàu khi sang Nhật khoác áo Mito Hollyhock khiến nhiều người xót xa

Rất nhiều người khuyên tiền vệ trẻ này nên suy nghĩ cẩn trọng trước khi quyết định, bởi để có thể trụ vững được tại các giải đấu khắc nghiệt của Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí Thái Lan là chuyện không dễ dàng.

Trong quá khứ, đồng đội của Quang Hải trên đội tuyển là Nguyễn Công Phượng từng sang Nhật Bản thi đấu cho CLB Mito Hollyhock ở giải hạng 2, mùa 2016. Thống kê suốt mùa bóng đó, Công Phượng được cho ra sân 5 lần, ngồi dự bị... 21 trận, tổng thời gian thi đấu khoảng 80 phút và không ghi được bàn nào.

Một trường hợp xuất ngoại khác là Lương Xuân Trường, lần lượt thi đấu cho 2 CLB của Hàn Quốc là Incheon mùa 2016 và Gangwon mùa 2017, song chủ yếu chỉ ngồi dự bị vì không cạnh tranh được suất đá chính với các cầu thủ bản địa. Hệ quả là phong độ tiền vệ này sa sút thấy rõ và tới mùa 2018, HAGL buộc phải rút về cho đá V-League.

Gần hơn, đồng đội của Quang Hải tại CLB Hà Nội là Hoàng Vũ Samson - cây săn bàn số 1 V-League, chỉ sau ít ngày thử việc đã bị CLB Buriram của Thái Lan thanh lý vì không đáp ứng được chuyên môn đá Thai-League 2018.

Hai năm thi đấu tại Hàn Quốc, Xuân Trường chủ yếu dự bị và phong độ sa sút thấy rõ khi trở về Việt Nam

Nhắc lại 3 trường hợp xuất ngoại trên để thấy, năng lực của cầu thủ Việt (thậm chí với một ngoại binh nhập tịch như Hoàng Vũ Samson) có vẻ còn khoảng cách lớn với các nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc hay thậm chí là ngay trong khu vực như Thái Lan.

Cũng cần phải sòng phẳng với nhau rằng việc mua/mượn cầu thủ Việt đôi khi không xuất phát từ nhu cầu chuyên môn của đội bóng nước ngoài. CLB Sapporo mượn Công Vinh 5 tháng trước khi mở chiến dịch bán bia có thương hiệu cùng tên này tại Việt Nam. CLB Mito Hollyhock mượn Công Phượng khi vừa giành quyền lên chơi J-League 2 và muốn tăng lượng cổ động viên thông qua cái tên Nguyễn Công Phượng vốn đang rất "hot" tại Việt Nam.

Và nay, CLB Renofa Yamaguchi (đang chơi giải hạng 2 Nhật Bản) muốn mượn Quang Hải cũng hoàn toàn có thể không đến từ yếu tố chuyên môn thuần túy. Trong trường hợp sang Nhật thi đấu, cơ hội ra sân của Quang Hải là không cao, thậm chí có thể đi vào vết xe đổ như trường hợp Lương Xuân Trường - 2 năm dự bị tại Hàn Quốc để rồi phong độ đi xuống.

Xuất ngoại lúc này mang nhiều rủi ro với sự nghiệp của Quang Hải

"Tạm thời chúng tôi sẽ không để Quang Hải ra đi. Thời điểm này, chúng tôi muốn cậu ấy phục vụ bóng đá thủ đô Hà Nội nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung", phát biểu của Chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Hội phần nào cho thấy chủ trương của đơn vị chủ quản đối với chuyện xuất ngoại của Quang Hải. 

Và đó là quyết định hợp lý, ít nhất là tại thời điểm này, khi Quang Hải mới 21 tuổi, vẫn đang trong giai đoạn phát triển tài năng và bị ràng buộc bởi hợp đồng đào tạo trẻ với Hà Nội FC.

Quang Hải có thể xuất ngoại, nhưng không phải và không nên là thời điểm này!