Bóng đá châu âu:
Premier League không còn sức hút?
(ANTĐ) - Không đầy nửa tháng nữa, giải đấu giàu có nhất thế giới sẽ khởi tranh mùa giải 2009-2010. Song nhìn vào diễn biến trên thị trường chuyển nhượng hiện nay, Premier League xem ra đang lép vế so với các giải VĐQG lớn ở châu âu trong việc chi tiêu, điều đó cho thấy Premier League đang mất dần sức hút với các... ngôi sao.
Bến đỗ của các ngôi sao không phải là đảo quốc sương mù |
Với 50% thuế thu nhập cá nhân ở Anh, không ngạc nhiên khi hầu hết các ngôi sao tốt nhất thế giới lựa chọn giải pháp: không đến đảo quốc sương mù thi đấu. Karim Benzema đã lựa chọn Real Madrid thay cho Manchester United; Felipe Melo sang Juventus hơn là đáp lại lời mời từ Arsenal và Kaka đã vẽ lên tương lai ở Real Madrid trong suy nghĩ của mình trước khi Manchester City đề nghị mức phí chuyển nhượng kỷ lục của mọi thời đại.
Thị trường chuyển nhượng mùa hè năm nay đã bị Real Madrid lũng đoạn, với những bản hợp đồng kỷ lục về tài chính và chớp nhoáng về thời gian. Sự chi tiêu vô tội vạ của “Kền kền” khiến giá trị của cầu thủ bị đẩy lên một cách phi lý. Sau khi đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha mua Ronaldo, Kaka và Benzema với số tiền xấp xỉ 180 triệu bảng, Giám đốc điều hành của Bayern Munich, Uli Hoeness đã đưa mức giá “trên trời” đối với tiền vệ Franck Ribery. Theo giải thích của ông, nếu Ronaldo đáng giá 80 triệu bảng thì Ribery cũng được bán với số tiền tương tự.
Ở tận Los Angeles, nơi Barcelona tham gia giải đấu giao hữu chuẩn bị cho mùa giải mới, HLV Pep Guardiola cũng than phiền về mức giá mà các CLB đưa ra quá cao cho các cầu thủ của mình. Có lẽ, chính vì hậu quả mà Real Madrid để lại khiến Barcelona phải chi tới 55 triệu bảng mới có được sự phục vụ của Zlatan Ibrahimovic, trong đó bao gồm thỏa thuận để Samuel Eto’o sang Inter Milan là một phần của bản hợp đồng. Việc Ibrahimovic sang Nou Camp cho thấy, các ngôi sao thích lựa chọn Real Madrid hoặc Barcelona hơn là Manchester United hay Chelsea của Anh.
Theo một nghiên cứu của Ernst & Young, mức thuế thu nhập quá cao tại đảo quốc sương mù là yếu tố tạo ra sự khác biệt. Để đảm bảo 1 cầu thủ mới đến có mức lương 4 triệu bảng/năm, những người chủ sử dụng lao động tại Premier League phải chi phí gần 7,5 triệu bảng. Trong khi đó ở Tây Ban Nha, người ta chỉ phải bỏ ra 5,5 triệu bảng cho trường hợp tương tự. Và có một điều, các cầu thủ luôn muốn nhận được mức thù lao cao hơn 4 triệu bảng mỗi năm.
Quý Ngọc