Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tổ chức ngay cuộc đối thoại bóng đá Việt vào tháng 1-2018"

ANTD.VN - Tinh thần "Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động" đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lan tỏa qua việc chỉ đạo tổ chức ngay một cuộc đối thoại bóng đá, với tiêu chí "một bên hỏi, một bên trả lời và từ đó ra vấn đề".

Tại hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 tổ chức tại Hà Nội, sáng 19-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe một số đại biểu trình bày tham luận, đồng thời phản biện, thậm chí chất vấn tại chỗ các vấn đề đại biểu nêu.

Trưởng Ban trọng tài LĐBĐ Việt Nam (VFF) Nguyễn Văn Mùi cho rằng các đội bóng, dư luận không nên nghi ngờ trọng tài vì "trọng tài cũng là con người, cũng có thể mắc sai sót". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xin phép ngắt lời: "Nếu tôi không uống rượu thì có mời, có ép cũng không uống".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra nhiều vấn đề "nóng" của bóng đá Việt Nam

Theo Phó Thủ tướng, nghi ngờ trọng tài là quyền của mọi người, đồng thời chất vấn: "Trọng tài có thể sai sót trong trận đấu nhưng sau đó, Ban Trọng tài đã xử lý nghiêm minh, xử lý một cách chuẩn mực chưa? Ban Trọng tài có dám khẳng định không liên quan đến bất kỳ đội bóng nào không?".

"Tại sao ở mình đội vô địch quốc gia lại không đủ điều kiện đá giải châu Á? Giải chuyên nghiệp có cho điểm, nhường điểm nhau không, đã đá thật chưa? Tại sao bóng đá phong trào khán giả đến đông mà giải chuyên nghiệp lại vắng thế? Công tác trọng tài đã chuẩn chưa, có thiên vị không? Chúng ta có dám cùng nói kiên quyết nói không với tiêu cực?" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn ngành thể thao.

Trả lời chất vấn, ông Nguyễn Văn Mùi khẳng định, Ban Trọng tài đã xử lý kỷ luật rất nặng với nhiều trường hợp trọng tài bị nghi ngờ, không hề bao che.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu ông Phạm Hải Đăng – đại diện Ban Kỷ luật VFF trả lời câu hỏi: “Ban Kỷ luật đã làm tốt nhiệm vụ chưa? Có cần siết lại không?”. Ông Đăng trình bày: “Ban Kỷ luật không dính dáng đến bất kỳ đội bóng nào. Các vụ việc mà chúng tôi xử lý là chuẩn xác và 100% thành viên ban không tiêu cực”.

Tạm ngưng phần tham luận của đại diện Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: "Thanh Hóa có lo ngại tiêu cực ngay trong đội bóng không, vì sao?”, đại diện Sở này cho biết UBND tỉnh quán triệt nghiêm khắc, chống tiêu cực phải đưa lên hàng đầu, đồng thời nêu quan điểm: “Một đội không thể chống tiêu cực được mà phải tất cả các đội bóng cùng chống".

Đại diện các sở, ban ngành thể thao, huấn luyện viên góp ý kiến tại hội nghị

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng bóng đá Việt còn nhiều điều chưa hài lòng, nhưng cũng có nhiều mặt tiến bộ. Không nên vì bức xúc mà quên bức tranh chung, cũng không nên vì thành tích giải này giải kia vô địch, hay mới có một trung tâm đào tạo trẻ ra đời mà nói rằng đẳng cấp hơn thế giới mà quên cả “bức tranh” nền bóng đá. 

"Phát triển bóng đá cần dài hơi, phải có lộ trình. Khi đã có lộ trình phải kiên trì. Có cái làm được ngay, có cái chưa thể nhưng tinh thần là không để tồn tại những thứ dị dạng như mô hình giải VĐQG hình chóp ngược. Chiến lược mình tổ chức thực hiện chưa tốt, phải xem cái gì cần điều chỉnh thì phải điều chỉnh. Tinh thần lộ trình phải bài bản, kiên trì, kiên quyết và dứt khoát không tiêu cực”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm. 

Trong khoảng 4 tiếng diễn ra, hội nghị đã nghe đại diện Bộ VH-TT&DL báo cáo sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược, đồng thời nghe khoảng 10 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành thể thao, những người làm bóng đá, HLV đội bóng… trình bày ý kiến. Tuy nhiên theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bản thân ông vẫn chưa thấy thỏa mãn và đề nghị có thêm một buổi đối thoại.

"Nên có ít nhất một buổi đối thoại, trong đối thoại có gì vướng mắc, kiến nghị thì đưa ra cùng thống nhất, thống nhất rồi thì làm. Cuộc đối thoại này tổ chức ngay trong tháng 1-2018, đừng để chậm trễ hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo và giao cho Bộ VH-TT&DL tập hợp các kiến nghị, thắc mắc của người hâm mộ, của những lão thành thể thao và của mọi người thành các nhóm vấn đề phục vụ cuộc đối thoại sắp tới.

“Vấn đề nào thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ, tôi sẽ mời Bộ, của Liên đoàn sẽ mời Liên đoàn, nếu yêu cầu Chính phủ thì tôi sẽ mời đại diện Chính phủ. Cứ bên hỏi, bên trả lời, từ đó sẽ ra vấn đề”, Phó Thủ tướng nói.