Phạt nặng khách mua dâm tại EURO 2016

ANTĐ - Chỉ còn vài ngày nữa, giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2016) sẽ được khởi tranh, bên lề trái bóng còn rất nhiều những điều mà cổ động viên quan tâm. Trong đó, đến thời điểm hiện tại vẫn gây tranh cãi chính là sau khi Quốc hội Pháp thông qua việc phạt nặng những người mua dâm; còn các cô gái hành nghề bằng “vốn tự có” cũng lên tiếng phản ứng bởi sẽ mất đi cơ hội tăng thu nhập nhờ EURO 2016.

Tại World Cup 2014 ở Brazil, gái mại dâm không bị coi là phạm pháp, hoạt động nhộn nhịp tại các khu đèn đỏ với nhiều mức giá “ưu đãi” với fan bóng đá toàn cầu. Các fan Anh chỉ phải bỏ ra 16 bảng là được các gái mại dâm “phục vụ” với lý do họ đến từ một đất nước xa xôi. Nhưng, đó là câu chuyện của hai năm về trước… Thực tế, không phải đến EURO 2016 vấn đề này lại một lần nữa làm “nóng” hậu trường sân cỏ bởi còn nhớ EURO 2012, phía chính quyền Ukraine -  quốc gia đồng chủ nhà với Ba Lan đã bất lực trong việc ngăn cản những cô gái bán phấn buôn hương ở trên lãnh thổ và từ khắp nơi đổ về kiếm sống.

Lo ngại hình ảnh gái mại dâm làm hoen ố đi ngày hội bóng đá châu Âu cũng như đất nước đăng cai tổ chức EURO, nên đất nước hình lục lăng cũng nhanh chóng siết luật. Người đề xuất dự luật này chính là nữ Nghị sĩ Maud Olivier, theo bà việc Quốc hội Pháp chính thức thông qua sẽ giúp làm giảm tệ nạn mại dâm, bảo vệ những gái mại dâm muốn bỏ nghề.

Theo tờ Le Monde, đạo luật được thông qua tại Hạ viện với tỉ lệ 64-12 và 11 phiếu trắng. Các nhóm nữ quyền đã và đang thúc đẩy việc loại bỏ mại dâm ra khỏi đời sống xã hội bởi cho rằng, luật mới sẽ giúp cho những phụ nữ thoát khỏi cảnh bị bóc lột về thể xác.

Claire Quidet, một thành viên của nhóm hoạt động chống mại dâm Le Nid cho biết: “Gái mại dâm sẽ không còn bị coi là tội phạm. Khi họ bị lạm dụng, họ có thể nộp đơn khiếu nại với cảnh sát, điều mà trước đây họ không dám làm”. Các mối quan hệ với khách hàng của người bán dâm sẽ hoàn toàn khác khi luật này được thông qua bởi giờ đây họ có sức mạnh pháp lý khi bản thân họ không có tội mà những người mua dâm mới chính là những người đang làm trái luật”.

Theo luật mới, khách mua dâm sẽ đối mặt với số tiền phạt lên tới 1.500 euro trong khi tiền vé vào cửa xem một trận bóng ở Euro chỉ là 25 euro. Nếu vi phạm lần hai, người vi phạm sẽ mất 3.750 euro và còn bị lưu tên vào “sổ đen”. Ngoài việc phải nộp phạt, người vi phạm phải tham dự những lớp học nâng cao nhận thức về những mối nguy hại khi quan hệ với gái mại dâm…

Theo dự kiến, trong thời gian diễn ra EURO 2016 sẽ có rất đông cổ động viên đến nước Pháp. Và sẽ có những cổ động viên tìm kiếm các hoạt động mua bán dâm để thư giãn trong thời gian nán lại nước Pháp. Cùng với đó là không ít những ý kiến trái chiều cho rằng, dự luật này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống ít nhất 40.000 gái mại dâm đang hành nghề tại nước chủ nhà EURO năm nay.

Điều đó sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp ở quốc gia này tăng cao và kéo theo nhiều hệ lụy khó có thể kiểm soát. Cổ động viên thì kém vui vì lo lắng sẽ trở thành phạm pháp và bị phạt, gái mại dâm thì bất bình vì sẽ khiến họ mất đi lượng khách tiềm năng. Hãng thông tấn AFP cho biết, có khoảng 60 người biểu tình bên ngoài Nghị viện Pháp ở Paris giơ cao biểu ngữ: “Đừng giải phóng tôi, tự tôi sẽ chăm sóc bản thân”.

Morgane Merteuil, phát ngôn viên của Strass, một trong những tổ chức hoạt động bảo vệ quyền lợi gái mại dâm tại Pháp trong cuộc biểu tình luật mới cho biết: “Chúng tôi phải đối mặt với sự nghèo đói hơn, bạo lực hơn và có thể bị bêu xấu nhiều hơn”. Các nhà hoạt động chống mại dâm cũng lo sợ, “ngành công nghiệp sex” sẽ hoạt động ngầm làm tăng khả năng các cô gái bị tấn công tình dục. Các cổ động viên Anh được cảnh báo có thể là mục tiêu tấn công của các băng nhóm tội phạm tại Marseille, nơi được coi là điểm nóng của tội phạm châu Âu. Đặc biệt là không ít gái mại dâm vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của “tú bà” và bọn ma cô. 

Nhưng với các nhà làm luật tại Pháp lại nghĩ khác, họ cho rằng với việc phạt nặng khách mua dâm, tình trạng mại dâm chắc chăn sẽ giảm, khi đó mại dâm không còn là vấn đề nhức nhối ở mùa giải bóng đá lớn nhất toàn châu lục. Ngoài phạt, điểm sáng của luật cũng được quy định đó là có hẳn điều khoản hỗ trợ tài chính cho cô gái nào muốn làm lại cuộc đời. Cụ thể, phía Chính phủ Pháp sẽ dành 5,5 triệu USD hàng năm cho những chương trình hỗ trợ gái mại dâm muốn hoàn lương.