Nữ đô vật Lê Thị Huệ mong được đi trên con đường mới

ANTĐ - Có một thực tế không thể phủ nhận ở Việt Nam, thể thao đối với nhiều người giống như một cách để có việc làm, hay với không ít trường hợp là để thoát nghèo. Thành công thì được vinh danh trên đỉnh vinh quang nhưng thất bại dù vì lý do gì, họ cũng xuống tận cùng của bất hạnh. 

Nữ đô vật Lê Thị Huệ mong được đi trên con đường mới ảnh 1Những tấm Huy chương, những Bằng khen chỉ là quá khứ...

Tự cứu lấy mình

Có lẽ không phải dẫn ra các trường hợp vận động viên sau khi kết thúc sự nghiệp, họ phải trở về với sự bươn chải, khốn khó, chạy cơm từng bữa. Nhưng được vậy đã là may mắn. Không có chuyên môn nào khác, không có vốn, không nhận được sự hỗ trợ... chỉ là một vài trong rất nhiều khó khăn mà họ gặp phải sau thời kỳ đỉnh cao phong độ. Khắc nghiệt nhất vẫn là gặp tai nạn, chấn thương, từ giã sự nghiệp vận động viên ở thời kỳ đỉnh cao. Và họ bất lực nhìn quá khứ huy hoàng trôi đi, tương lai ảm đạm ập đến.

Câu chuyện về Lê Thị Huệ, một vận động viên vật từng là niềm hy vọng vàng điển hình cho sự khốn cùng nhất của người trót theo nghiệp thể thao. Bị lãng quên sau khi gặp chấn thương đến liệt người nhưng cô đã may mắn tìm được lối thoát. Ai đã cứu Lê Thị Huệ? Chẳng có ai! Bản thân cô đã tự cứu mình. 

Hãy thôi kể lại những gì đã xảy ra với Lê Thị Huệ. Hãy nhìn lại gần 10 năm cô sống âm thầm với những cơn đau, gắn chặt vào chiếc giường, cam chịu số phận là một người tàn phế. Người mẹ già và chị gái trở thành tay, chân, thậm chí là trở thành tất cả của Huệ, ngay đến vệ sinh cá nhân, Huệ cũng phải có người giúp. Gần 10 năm đó, chuyện “vái tứ phương” là điều tất cả mọi người đã làm để giúp cô nhưng không thành.

Những tưởng cả thế giới này đã quên Huệ bởi chính cô chọn cách im lặng, giam mình vào bóng tối. Rồi một ngày, Huệ nhận ra rằng, mẹ chẳng thể ở bên mình mãi, chị gái còn có phận nhà chồng. Nhựa sống của một vận động viên trở lại. Cô bước ra ánh sáng và nói về nỗi đau của mình. 

Nữ đô vật Lê Thị Huệ mong được đi trên con đường mới ảnh 2

... Và hiện tại là cuộc sống khốn cùng của người trót theo nghiệp thể thao

Nhựa sống trở lại

Tôi đọc được chuyện của cô trên một tờ báo. Tôi thực sự bàng hoàng bởi chuyện Huệ gặp nạn đã xảy ra lâu lắm rồi. Lâu tới mức tưởng rằng cô đã “thoát”, cô đã có một cuộc sống yên ổn hơn. Tôi quyết định gặp Huệ chỉ muốn biết, vì sao cô quay lại và lên tiếng. Điều mong muốn của cô đơn giản đến mức ai biết được cũng ứa nước mắt: “Em muốn có thể tự vệ sinh cá nhân được”. Cô ấy đã nói với tôi như vậy. Cá nhân tôi muốn Huệ không chỉ đi lại được mà còn đứng vững ngay cả khi quanh cô không còn ai nâng đỡ. Và tôi tìm đến các nhà báo, cộng đồng mạng. Không phải những tâm sự, những giọt nước mắt của Huệ trong bài viết của tôi trên một tờ báo thể thao đã khiến cộng đồng mạng chung tay. Lý do bởi cô không đòi hỏi. 

Chính các phóng viên, nhà báo… chứ không phải ai khác đã vẽ ra một con đường mới cho cô và biết rằng, một con người mạnh mẽ như Huệ sẽ làm được. Đó là đưa cho cô một chiếc “cần câu”. Huệ sẽ “câu cá”. Tất nhiên trước đó cô cần đối mặt và chiến đấu với căn bệnh của mình. Huệ nói Huệ làm được và thực tế Huệ đã làm được. Một nữ phóng viên trẻ (đề nghị giấu tên) theo cô từng ngày, từng giờ để chữa bệnh. Một phóng viên thể thao gọi từng doanh nghiệp, từng câu lạc bộ để xin tài trợ. Một phóng viên khác kêu gọi cộng đồng giúp đỡ để khi trở về, Huệ sẽ vững vàng hơn trên con đường mới của mình.

Những phóng viên, những tờ báo khác cũng âm thầm đăng bài, kêu gọi để góp thêm động lực cho cô gái này trở lại với cuộc sống. Và chỉ 1 năm sau thôi, Huệ tự đi lại được. Chiếc xe lăn trở thành thừa. Con đường trải bê tông vốn sinh ra để chiếc xe điện dễ đi lại giờ thành lối để Huệ tự đi ra cửa hàng tạp hóa nhỏ của mình ở đầu làng. Cô ấy đã trở lại. Tương lai sẽ là gì? Nếu bạn hỏi, ngành thể thao ở đâu khi những câu chuyện như của Huệ xảy ra? Tôi không trả lời được bởi đó là câu chuyện của người quản lý ngành. Tôi chỉ biết, họ có hỗ trợ, có giúp đỡ. Nhưng đến đâu? Chưa đến đâu cả. Tất cả chỉ ở mức an ủi, động viên. 

Mong chờ tương lai tốt đẹp...

Ngay cả đến thời điểm hiện tại, Huệ sẽ tiếp tục sống với những sự giúp đỡ như thế, tương lai của cô sẽ ra sao. Nhìn những gì cô vẫn chia sẻ trên mạng xã hội, bạn bè biết Huệ lại đang cần giúp đỡ. Một lần nữa, chúng ta đừng nghĩ tiền là tất cả đối với Huệ lúc này. Cô vẫn muốn tránh càng xa càng tốt chấn thương vẫn còn đeo bám theo mình. Và chắc chắn cô muốn được nhìn thấy tương lai đảm bảo hơn là mong chờ vào một cửa hàng nho nhỏ hiện tại. 

Tất nhiên, cô chẳng thể mong chờ vào ngành thể thao lúc này bởi chuyện của cô đã ở thì quá khứ rất lâu rồi. Nhưng hãy nhìn vào những gì mà Huệ trải qua để lúc này, hay có thể muộn hơn một chút, đã đến lúc ngành thể thao cần phải có những biện pháp thích hợp để giúp đỡ những vận động viên không còn phải tự đối diện với cuộc sống nhọc nhằn sau khi họ đã “rút ruột” ra để cống hiến.

Chúng ta không phủ nhận những khó khăn mà ngành thể thao phải đối mặt khi giải quyết vấn đề tương lai của vận động viên. Nhưng hãy nhìn những hiệp hội bảo vệ vận động viên trên thế giới mà họ đã, đang và sẽ làm gì để giúp VĐV của mình. Đó là bổ sung kiến thức ngoài thể thao, là định hướng nghề nghiệp trong tương lai, là chi trả, hỗ trợ, giúp đỡ vận động viên gặp tai nạn, là đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi cho những người đang cống hiến sức lực cho thể thao, là giới thiệu việc làm phù hợp khi vận động viên giải nghệ... Có khó lắm không để cho ra đời những hiệp hội như vậy?