Nam Định trụ hạng thành công:
Niềm vui ngắn chẳng tày gang!
(ANTĐ) - 90 phút trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng) chiều 30-9 đã hội đủ những yếu tố cần thiết cho trận bóng đá được trông đợi: khán giả đông, tiền thưởng lớn, cầu thủ hăng, tốc độ khá… Thế nhưng, chất lượng cầu thủ cũng như chất lượng trận đấu chỉ ở mức trung bình. Đội bóng miền Tây chẳng thể làm nên cơn địa chấn khi thất thủ trước Nam Định với tỉ số tối thiểu 0-1.
Với những gì hiện có, Nam Định sẽ chơi thế nào ở mùa bóng năm sau? |
Viễn cảnh huy hoàng tại V.League mùa sau giúp cho trận cầu có nhiều thời điểm tương đối hào hứng, nhưng diễn biến trên sân thì đúng là play-off, nhỉnh hơn mặt bằng chung của hạng Nhất song vẫn dưới tầm V. League. Cần Thơ gần như chỉ có “miếng” nhồi bóng vào vòng cấm cho 2 ngoại binh W.Santos và Das Silva tận dụng thể hình cũng như sức càn lướt. Các học trò của HLV Võ Văn Hùng đã có nhiều cơ hội đáng kể - như ở phút 66, W.Santos đã vượt qua trung vệ Chinedu bên phía Nam Định, nhưng tiền đạo mang áo số 9 lại không thắng được thủ thành Quang Huy.
Kinh nghiệm 9 năm liên tục chơi ở V.League đã giúp đội bóng thành Nam nhỉnh hơn đối thủ ở khả năng điều tiết nhịp độ, kiểm soát thế trận và khu trung tuyến. Mặc dù vậy, sự cũ kỹ, già nua và mệt mỏi trong từng bước chạy của những cầu thủ từng nhiều phen làm điên đảo V.League như Văn Biển, Đức Dương, Trọng Lộc, Danh Ngọc… đã không thể giúp Nam Định thăng hoa. Bàn thắng duy nhất của Nam Định ở phút 49 đến từ sai lầm của hàng phòng ngự đối phương khi thủ môn Thanh Tú ra vào không hợp lý, Okoro đã tận dụng tốt cơ hội, mở (và cũng là ấn định) tỉ số bằng một pha đánh đầu cận thành..
4 năm trước, Cần Thơ từng phơi áo trước Hà Nội ACB trong trận play-off. Từ đó đến nay, cách làm bóng đá của đội Cần Thơ không có thay đổi đáng kể, nên không ngạc nhiên khi lịch sử một lần nữa lặp lại. Sự hào nhoáng từ khoản tiền thưởng kỷ lục 2 tỷ đồng, thực chất chỉ là một “phút ngẫu hứng” của lãnh đạo tỉnh - khi xứ gạo trắng nước trong vừa được công nhận là đô thị loại 1. Cần Thơ góp mặt ở trận tranh suất V.League mùa giải sang năm hoàn toàn không đến từ sức bật nội tại mà do sự sảy chân của Bình Định.
Với Nam Định, chưa khi nào đội bóng thành Nam phải đôn đáo kiếm nhà tài trợ, tìm Mạnh Thường Quân một cách khẩn thiết như mùa bóng 2009. Đến như Amaobi (cầu thủ góp công rất nhiều trong việc giúp Nam Định… đi play-off) cũng cập bến Nam Định bằng bản hợp đồng theo thành tích đóng góp trên sân. Cách làm bóng đá theo kiểu “bế quan tỏa cảng”, nặng tính bao cấp, thiếu những “cú hích kinh tế” cần thiết... chẳng thế mà đã góp mặt đầy đủ 9 lần tại V.League nhưng kể cả khi đạt ngôi á quân, đội bóng thành Nam vẫn không tháo được cái mác “con nhà nghèo”.
Chiến thắng tối thiểu đã giúp Nam Định duy trì chuỗi thành tích 10 năm hiện diện ở V.League, tuy nhiên, đằng sau niềm vui muộn màng ấy, vẫn còn không ít khó khăn mà đội bóng thành Nam phải đối mặt khi mùa giải mới khởi tranh: việc giữ chân cầu thủ, vấn đề lương, thưởng, tìm nhà tài trợ và hơn cả là một cuộc cách mạng về đường lối chiến lược giúp Nam Định có thể “lột xác”, trở thành một vùng nổi trên bản đồ bóng đá nước nhà để không phải vừa đá vừa lo ngay ngáy với nguy cơ… đi play-off.
Mạnh Hà